Tại họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế xã hội diễn ra ngày 30/12, ông Vũ Minh Giang, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh, cho biết, năm 2023 kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, toàn diện hơn, gia tăng căng thẳng địa chính trị; xung đột Nga - Ukraine diễn biến phức tạp, giao tranh ở khu vực Trung Đông đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, của Bắc Ninh nói riêng.
“Trước thực trạng đó, tỉnh đã nỗ lực đem lại sự cải thiện trong nền kinh tế từ các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cùng sự gắng sức của cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở kinh tế trong tỉnh, nhưng GRDP của tỉnh (theo giá so sánh 2010) vẫn giảm 9,28% so với cùng kỳ. Đây là mức giảm nhiều nhất từ trước đến nay và cũng là tỉnh có mức giảm sâu nhất trong 63 tỉnh, thành phố”, ông Giang chia sẻ.
Cũng theo ông Giang, về cơ cấu kinh tế năm 2003, khu vực nông lâm thủy sản chiếm 2,88%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 72,18%; khu vực dịch vụ chiếm 20,68% và thuế sản phẩm là 4,26%.
So với năm 2022, có sự thay đổi đáng kể theo hướng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 3,74%%; dịch vụ tăng 3,04%; nông nghiệp tăng 0,27%; thuế sản xuất tăng 0,43% .
Trong năm, số doanh nghiệp thành lập mới 3.461 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 34.333 tỷ đồng, tăng 28,4% so cùng kỳ về số doanh nghiệp và tăng 51,9% về tổng vốn đăng ký bổ sung.
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 893 doanh nghiệp tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước; nhưng cũng có tới 349 doanh nghiệp giải thể tự nguyện tăng 8,4% và 1.939 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng 29,7%.
Đến 20/12/2023, trên địa bàn tỉnh có 22.275 doanh nghiệp đã đăng ký, tăng 14,4% so với cùng thời điểm năm trước, với tổng số vốn điều lệ đăng ký là 392.918 tỷ đồng, tăng 14,3% và 5.765 đơn vị trực thuộc, tăng 15,9%.
Về phương hướng giải pháp chung, Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh Khổng Văn Thắng cho hay, trong năm tới, địa phương cần tăng cường năng lực hiện có, củng cố nền tảng, bảo đảm ổn định kinh tế, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.
“Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hoá thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu, rộng hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu”, ông Thắng thông tin thêm.
Mặc dù bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng bức tranh kinh tế của Bắc Ninh vẫn có một số điểm sáng nhất định. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 70 triệu đồng (vượt 0,7% so với kế hoạch); tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước đạt 65,7 nghìn tỷ đồng (vượt 9,5% so với kế hoạch); thu hút mới vốn FDI vào các khu công nghiệp đạt 1,4 tỷ USD (vượt 16,7% so với kế hoạch)….
Về hoạt động thương mại trong năm 2024, Bắc Ninh đặt mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 75,83 triệu USD, tăng 3% so với ước thực hiện 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt 41,552 triệu USD, tăng 3%; nhập khẩu đạt 34,278 triệu USD, tăng 3%.