Trong thông cáo báo chí ngày 26/8, Moderna cho biết, các đơn kiện đã được gửi đến Tòa án quận của Mỹ ở bang Massachusetts và Tòa án vùng Dusseldorf ở Đức.

Cục quản lý Thực phẩm và dược phẩm Mỹ phê duyệt việc sử dụng khẩn cấp vắc xin Covid-19 của Pfizer/BioNTech đầu tiên vào tháng 12/2020 và một tuần sau đó cho sản phẩm tương tự của Moderna. Ảnh: Reuters

"Chúng tôi đang xúc tiến các vụ kiện này để bảo vệ nền tảng công nghệ mRNA sáng tạo mà chúng tôi đã đi tiên phong, đầu tư hàng tỷ đô la để tạo ra và được cấp bằng sáng chế trong suốt thập kỷ trước đại dịch Covid-19", giám đốc điều hành Moderna Stephane Bancel nói.

Theo Reuters, Moderna và cặp đối tác Pfizer - BioNTech là 2 trong số những hãng dược phẩm đầu tiên trên thế giới phát triển vắc xin phòng ngừa virus corona chủng mới. Vắc xin Covid-19 giúp mang lại cho Moderna 10,4 triệu USD doanh thu năm nay, trong khi vắc xin tương tự của Pfizer/BioNTech giúp họ đút túi khoảng 22 triệu USD trong cùng khoảng thời gian.

Moderna cáo buộc Pfizer/BioNTech đã sao chép không xin phép công nghệ mRNA mà công ty được cấp bằng sáng chế trong khoảng thời gian từ 2010 - 2016, trước khi Covid-19 xuất hiện vào năm 2019 và bùng nổ thành đại dịch toàn cầu vào đầu năm 2020.

Cụ thể, Moderna quả quyết Pfizer/BioNTech đã chiếm đoạt trái phép 2 loại tài sản trí tuệ. Một liên quan đến cấu trúc mRNA mà phía Moderna khẳng định các nhà khoa học của công ty bắt đầu phát triển vào năm 2010 và là cấu trúc đầu tiên có hiệu lực trong các thử nghiệm trên người vào năm 2015. Vi phạm thứ hai được cho liên quan đến việc mã hóa một loại protein gai có chiều dài đầy đủ mà Moderna quả quyết các nhà khoa học của họ đã phát triển trong khi tạo ra một loại vắc xin phòng chống virus corona gây Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).

Mặc dù vắc xin MERS chưa bao giờ được tung ra thị trường, nhưng sự phát triển của nó đã giúp Moderna nhanh chóng cho trình làng vắc xin Covid-19 do hãng phát triển.

Trong giai đoạn đầu của đại dịch, Moderna từng tuyên bố sẽ không tiến hành các biện pháp bảo hộ bằng sáng chế mRNA nhằm giúp những đối tượng khác phát triển vắc xin của riêng họ, đặc biệt dành cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Tuy nhiên, vào tháng 3/2022, Moderna bày tỏ mong muốn các công ty như Pfizer và BioNTech tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của mình. Công ty cũng cho hay sẽ không tìm cách đòi bồi thường thiệt hại đối với bất kỳ hoạt động nào trước ngày 8/3/2022.

Việc kiện tụng bằng sáng chế không phải là hiếm trong giai đoạn đầu của công nghệ mới. Pfizer và BioNTech đã phải đối mặt với nhiều vụ kiện từ các công ty khác, với cáo buộc vắc xin của cặp đôi này vi phạm các bằng sáng chế của họ. Hai công ty tuyên bố sẽ bảo vệ các bằng sáng chế của mình một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, họ từ chối lên tiếng bình luận về vụ kiện mới của Moderna.

Tuấn Anh