- Sự kiện Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024 diễn ra ngày 21/4 có điểm gì mới mẻ, hấp dẫn thưa ông?
Năm nay tất cả tỉnh, thành đều sẽ có chương trình, kế hoạch hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam ngay tại địa phương.
Mỗi địa phương có thể liên hệ các đơn vị xuất bản, phát hành sách ở TP.HCM, Hà Nội phối hợp tổ chức sự kiện, kết hợp các hoạt động tôn vinh sách, người làm xuất bản tại địa phương nhằm tạo sự phong phú, hấp dẫn.
Dĩ nhiên không phải tất cả đơn vị xuất bản, phát hành sách đều có thể về địa phương. Vì vậy, các tỉnh, thành chủ yếu tự thân vận động. Đơn cử các đơn vị sách và thiết bị trường học có thể phối hợp thư viện tổ chức các hoạt động liên quan như: trưng bày, giới thiệu sách sách, giao lưu với tác giả...
Ngoài ra, cũng có thể phối hợp các đơn vị có lực lượng đông đảo như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, các tổ chức giáo dục... để đưa ra các hoạt động gắn với sách.
Hoạt động đồng bộ như vậy có thể gây sự chú ý, quan tâm của các cấp chính quyền, hiệu ứng tích cực trong xã hội nói chung và người làm việc trong ngành xuất bản nói riêng.
Riêng với Đường Sách TP.HCM, dưới sự chủ trì của UBND TP.HCM, chúng tôi phối hợp Sở TT&TT, Hội Xuất bản Việt Nam và nhiều đơn vị khác tổ chức Tuần lễ Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024 (17/4 - 22/4).
Nhờ chủ động từ sớm, chúng tôi được rất nhiều đơn vị tham gia với loạt hoạt động hấp dẫn, sẽ sớm thông tin đến báo chí.
- Qua 2 mùa tổ chức trước, ông thấy sự kiện còn những điểm nào cần cải thiện? Chẳng hạn có giải pháp nào để sự kiện đi sâu hơn vào thực tiễn thay vì chỉ mang tính phong trào?
Theo quan sát của tôi, các hoạt động thuộc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đều được chuẩn bị chu đáo, chủ động và đầu tư đúng mực nên diễn ra tốt, đúng với kỳ vọng của người tổ chức.
Một sự kiện mang tính chất lễ hội được diễn ra theo đúng kế hoạch được chuẩn bị từ trước là đã thành công, không có vấn đề gì lớn để rút kinh nghiệm hay khắc phục.
Về ý kiến của bạn, thật ra các hoạt động như: trưng bày, triển lãm, giao lưu giới thiệu sách, tọa đàm, cuộc thi đọc sách, viết review sách... đã mang tính vận động, phong trào rồi. Khi sự kiện diễn ra, chúng ta tham gia hưởng ứng, khi kết thúc lại quay về công việc đang làm.
Dù vậy, không vì thế mà Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam không mang lại tác động nào. Thực tế, hiệu ứng của sự kiện lan tỏa mạnh mẽ tinh thần đến với sách, gieo những 'hạt mầm' yêu thích đọc sách, truyền đi thông điệp tôn vinh những giá trị mà các tác giả, người làm xuất bản tạo ra... Điều đó rất tích cực!
Còn để nói Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam phải giải quyết những vấn đề căn cơ như tăng bao nhiêu người đọc sách, tăng bao nhiêu tỷ lệ đọc của người Việt... thì không.
Để giải quyết các vấn đề trên, giải pháp có thể kể đến như các hoạt động khuyến đọc ở trường, tăng cường việc sử nguồn tài nguyên thông tin từ sách cho việc dạy và học, xây dựng tủ sách gia đình, ý thức trách nhiệm của cha mẹ trong việc tạo môi trường đọc cho con tại nhà...
Vì vậy, hãy để Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đúng bản chất là một cuộc vận động, lễ hội để mọi người cùng vui, từ đó tạo ra những tác động tích cực.
- Hoạt động quảng bá luôn đóng vai trò quan trọng đối với thành công của một sự kiện. Theo ông, đã đến lúc cần chú trọng khâu quảng bá trên nền tảng TikTok hay kết hợp những người nổi tiếng có sức ảnh hưởng chưa?
Đúng như bạn nói, TikTok là nền tảng mạng xã hội vô cùng phổ biến với người trẻ, việc đẩy mạnh hoạt động quảng bá có thể mang lại hiệu quả cao. Phải quan tâm đến vai trò của TikTok và những người nổi tiếng, TikToker có sức ảnh hưởng trong quá trình lan tỏa sự kiện này đến với công chúng.
Đây cũng là điều Đường Sách TP.HCM và các đơn vị xuất bản, phát hành sách đang làm. Theo như tôi biết, không phải lúc nào những người nổi tiếng cũng đòi hỏi thù lao lớn. Không ít người nổi tiếng, TikToker tự nguyện tham gia với mong muốn đóng góp cho sự phát triển văn hóa, xem đó là trách nhiệm với xã hội.
Ở năm tổ chức thứ 2, Sở TT&TT TP.HCM đã công bố 10 đại sứ văn hóa đọc như nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo, Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, tác giả Trung Nghĩa, doanh nhân Lê Đăng Khoa, Á hậu Thúy Vân, ca sĩ Hồ Trung Dũng...
Họ - với sức ảnh hưởng nhất định trong lĩnh vực hoạt động của mình - sẽ tích cực quảng bá, từ đó tạo ra hiệu ứng lan tỏa cho sự kiện.
Ngành văn hóa cũng có những nghệ sĩ nổi tiếng có lượng người theo dõi đông đảo mà chúng ta có thể liên hệ, đặt vấn đề.
Nếu có cơ hội, tôi sẽ đề xuất với ban tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam kết nối với những nghệ sĩ như Trấn Thành. Cậu ấy có đến 18 triệu người theo dõi trên Facebook chứ không ít. Khi thần tượng của người trẻ như Trấn Thành góp tiếng nói, hiệu ứng không chỉ tăng gấp đôi mà có khi gấp nhiều nhiều lần.