Nằm trong khuôn khổ sự kiện Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hanoi 2023 được tổ chức từ ngày 13 -16/4/2023, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức chương trình Tọa đàm “Tiềm năng và định hướng phát triển du lịch Golf Hà Nội”.
Trong năm 2023, bên cạnh việc tăng cường tổ chức các hoạt động, sự kiện quảng bá xúc tiến du lịch, Hà Nội cũng tập trung đẩy mạnh các hoạt động nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đầu tư xây dựng sản phẩm mới, tăng sự trải nghiệm của du khách, đặc biệt là loại hình du lịch dành cho phân khúc khách trung và cao cấp, trong đó phải kể đến sản phẩm du lịch golf.
Sản phẩm du lịch golf được đánh giá là một sản phẩm du lịch tiềm năng, đóng góp quan trọng trong việc thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng, đặc biệt là nhóm khách từ các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu…, giúp gia tăng khả năng chi tiêu của khách du lịch, góp phần tăng nguồn thu từ hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố, tạo việc làm cũng như thu nhập cho người dân địa phương.
Phát biểu tại toạ đàm, ông Phạm Thành Trí - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam cho biết, du lịch golf tại Việt Nam có rất nhiều tiềm năng khi thị trường du lịch quốc tế và nội địa đều có sự tăng trưởng mạnh. Tháng 1 và 2/2023, trong 1,8 triệu khách du lịch quốc tế thì có 800 nghìn khách là du lịch Golf. Theo thống kê, những khách du lịch chi tiêu trên 60 triệu khi đi du lịch cũng đều là du lịch Golf.
Môn du lịch golf là bộ môn có nhiều đặc thù riêng, đòi hỏi những điều kiện cơ sở vật chất đồng bộ cũng như chuỗi dịch vụ phải có tính liên kết với nhau. Hà Nội cơ bản hội tụ đủ các yếu tố để phát triển sản phẩm du lịch golf trở thành sản phẩm đặc sắc của du lịch Thủ đô.
Về cơ sở hạ tầng golf, Hà Nội hiện nay đang phát triển 6 cụm sân golf với 10 sân golf tiêu chuẩn như: Long Biên, Vân Trì Golf Club, Kings Island Golf, Minh Trí, Legend Hill… Đây đều là những sân golf lớn, chuyên nghiệp, đạt chuẩn quốc tế với cảnh quan tự nhiên đa dạng, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu phong phú của người chơi.
Về cơ sở hạ tầng phụ trợ, hệ thống cơ sở lưu trú hiện nay của Hà Nội đa dạng, chuyên nghiệp nhất là các khách sạn nghỉ dưỡng 4 - 5 sao được đầu tư đồng bộ, hiện đại với nhiều thương hiệu lớn như: JW Marriot, Sheraton, Metropole, …
Cùng với đó, do thời gian chơi golf của khách chỉ rơi vào từ 5-6 tiếng mỗi ngày, nên với khoảng thời gian còn lại, du khách du lịch golf khi đến Hà Nội cũng có rất nhiều các hoạt động khám phá thành phố, trải nghiệm văn hoá, thưởng thức ẩm thực, nghỉ dưỡng thư giãn… để lựa chọn.
Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, du lịch golf Hà Nội vẫn còn có những thách thức, khó khăn để cạnh tranh với các nước trong khu vực như: số lượng sân golf còn chưa nhiều; chi phí cao hơn so với các nước trong khu vực và thu nhập của người dân, theo thống kê, chi phí để chơi golf ở Việt Nam cao hơn từ 1,5-2 lần so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, dẫn đến đối tượng khách du lịch nội địa chưa nhiều; sự liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và sân golf còn hạn chế; du lịch golf chưa có sự kết nối với các loại hình du lịch khác; các sân golf chưa liên kết với nhau cũng như chưa có các giải pháp về xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch golf bài bản, chuyên nghiệp.
Theo bà Cao Thi Ngọc Lan - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, để du lịch golf của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng phát triển, thì rất cần sự liên kết, hỗ trợ chặt chẽ giữa bốn bên: đơn vị quản lý sân golf, doanh nghiệp lữ hành, điểm đến và các hãng hàng không, để từ đó có thể tạo ra các sản phẩm du lịch golf trọn gói thực sự đặc sắc, hấp dẫn, với các dịch vụ bổ trợ đi kèm và có giá cạnh tranh.
Tại buổi toạ đàm, đại diện của các đơn vị sân golf và các công ty lữ hành cũng đưa ra ý kiến thảo luận để tìm hướng gỡ bỏ những khó khăn thực tại.
Theo các đơn vị lữ hành, hầu hết các khách đến du lịch golf đều sẵn sàng chi tiêu ở mức cao, không chỉ có các hoạt động liên quan đến golf mà còn những dịch vụ khác như: ăn uống, vui chơi, spa thư giãn...Vậy nên nếu các đơn vị có thể tạo ra những chương trình liên kết chặt chẽ thì có thể nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng mức chi tiêu của du khách.
Ông Hà Văn Siêu – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định: "Tiềm năng về du lịch golf của Việt Nam còn rất lớn. Tuy nhiên chúng ta phải biến tiềm năng thành hiện thực. Chúng ta hiện còn thiếu rất nhiều những dịch vụ kết nối, dịch vụ bổ sung và những chuỗi phục vụ cho tập khách hàng cao cấp này. " Thời gian tới, Tổng cục Di lịch hi vọng các đơn vị có thể đẩy mạnh nghiên cứu kĩ càng thị trường du lịch golf; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch; đầu tư bài bản vào các sản phẩm; tổ chức các sự kiện liên quan đến golf; giải golf để thu hút được lượng lớn du khách; phát triển dịch vụ tư vấn du lịch golf....
Việt Nam được World Golf Award chọn là Điểm đến tốt nhất golf thế giới và châu Á năm 2019, 2021,2022. Hiệp hội du lịch golf Việt Nam được World Golf Award bình chọn là Hiệp hội du lịch golf tốt nhất năm 2022. Dự kiến năm 2023, Hà Nội và TP. HCM sẽ đón 500 nghìn khách du lịch golf quốc tế và lộ trình đến năm 2026 sẽ đón 2 triệu khách du lịch golf/ năm.