Thông tin được đại diện UBND TP Hà Nội đưa ra tại phiên họp giải trình về công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và đầu tư cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông của TP Hà Nội, diễn ra chiều 17/10.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, một số tồn tại trong thực hiện quy hoạch mạng lưới trường học của thành phố.
Cụ thể, theo quy định, tối thiểu mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường THCS và 3-5 vạn dân có 1 trường THPT. Tuy nhiên, vẫn còn một số phường thuộc các quận nội thành thiếu trường học.
Số thiếu gồm 49 trường mầm non, tiểu học, THCS. Cụ thể, 8 quận có phường thiếu trường học, gồm:
Quận Ba Đình thiếu 2 trường THCS (thuộc phường Điện Biên và phường Liễu Giai);
Quận Bắc Từ Liêm thiếu 2 trường tiểu học và 2 trường THCS (thuộc phường Cổ Nhuế 1 và Xuân Tảo);
Quận Cầu Giấy thiếu 1 trường THCS phường Quan Hoa;
Quận Đống Đa thiếu 3 trưởng tiểu học (thuộc phường Quốc Tử Giám, Khâm Thiên, Ngã Tư Sở) và thiếu 6 trường THCS (thuộc phường Quốc Tử Giám, Trung Liệt, Thổ Quan, Khâm Thiên, Phương Liên, Ngã Tư Sở; Quận Hà Đông thiếu 1 trường THCS thuộc phường Yết Kiêu;
Quận Hai Bà Trưng thiếu 1 trường tiểu học ở phường Nguyễn Du, thiếu 5 trường THCS (phường Bùi Thị Xuân, Bách Khoa, Đống Mác, Đồng Tâm, Ngô Thì Nhậm);
Quận Hoàn Kiếm thiếu 2 trường mầm non (phường Hàng Bông, Hàng Đào), thiếu 7 trường tiểu học (các phường: Cửa Đông, Cửa Nam, Đồng Xuân, Hàng Bạc, Hàng Bài, Hàng Đào, Hàng Mã), thiếu 2 trường THCS (các phường Cửa Đông, Cửa Nam, Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Buồm, Hàng Đào, Lý Thái Tổ, Phan Chu Trinh, Phúc Tân, Trần Hưng Đạo);
Quận Hoàng Mai thiếu 2 trường mầm non (Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm, Khu đô thị Pháp Vân Tứ Hiệp), thiếu 1 trường tiểu học (Khu đô thị Pháp Vân Tứ Hiệp), thiếu 3 trường THCS (Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm, Khu đô thị Pháp Vân Tứ Hiệp, Khu đô thị Bắc Linh Đàm).
UBND TP Hà Nội cũng cho hay, việc phát triển mạng lưới trường học theo quy hoạch không bắt kịp so với tốc độ gia tăng dân số, gây ra hiện tượng quá tải cục bộ tại một số khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh.
Tình trạng thiếu trường, lớp học tập trung tại các quận nội đô không còn quỹ đất để xây dựng mới hoặc mở rộng trường học dẫn đến vượt quy định về số học sinh/lớp, số lớp/trường, không đạt chỉ tiêu diện tích đất/học sinh, trường học vượt quy mô đào tạo không đạt chuẩn quốc gia.
Theo UBND TP, các trường học còn thiếu (do chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt) hoặc thiếu đất để xây dựng trường (chủ yếu tập trung tại các quận nội thành), trong khi các quỹ đất mới, đất trống để bổ sung trên địa bàn không còn.
Các trường học chưa được xây dựng đa phần nằm trong các quỹ đất cơ sở sản xuất xí nghiệp công nghiệp, đất cơ quan, bộ ngành, trường cao đẳng, đại học hoặc trong các khu đô thị (chưa được đầu tư đồng bộ giữa nhà ở và các công trình hạ tầng thiết yếu trong đó có trường học các cấp) nhưng chưa có phương án di dời cụ thể để thực hiện bổ sung xây dựng theo định hướng quy hoạch.
Quỹ đất dành cho trường học tại các quận hiện rất hạn chế, do vậy, việc đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng đạt tiêu chí trường công lập đạt chuẩn quốc gia khó khăn (đặc biệt các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy).
Một số trường học nằm ngoài đê sông Hồng thuộc một số xã, phường, quận, huyện trên địa bàn thành phố, khi triển khai thực hiện dự án cải tạo, xây mới vướng vào pháp lệnh bảo vệ đê điều nên không thể triển khai thực hiện.
Bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cũng nêu tình hình đầu tư xây dựng trường học tại các khu đô thị. Tại Hà Nội có khoảng 174 dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô từ 2 ha trở lên, trong đó có 119 dự án có quy hoạch 393 trường học (55 dự án không quy hoạch bố trí trường học).
Về tiến độ xây dựng trường học tại 119 dự án khu đô thị, đến nay, đã hoàn thành hoặc đang triển khai xây dựng 117 trường học, trong đó 46 trường mầm non, 35 trường tiểu học, 21 trường THCS, 4 trường THPT, 11 trường liên cấp. Chưa triển khai xây dựng 269 trường (139 trường mầm non, 64 trường tiểu học, 38 trường THCS, 19 trường THPT, 9 trường liên cấp).
Bà Hà cũng chỉ ra một số tồn tại trong triển khai xây dựng các công trình trường học tại các khu đô thị. Đa số các dự án hệ thống trường học chưa được đầu tư xây dựng theo tiến độ, do nhiều nguyên nhân.
Một số khu đất để xây dựng trường mầm non, trường tiểu học và trường THCS trong các khu đô thị mới còn chậm và khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng; việc xây dựng trường học do thu hồi vốn chậm nên các chủ đầu tư chưa thực sự quan tâm đầu tư.
Cùng đó, một số dự án xây dựng trường học theo quy hoạch tại thị xã Sơn Tây, huyện Sóc Sơn, Hoài Đức, Đan Phượng phải điều chỉnh quy hoạch hoặc chưa có quy hoạch phân khu được phê duyệt, bị chậm tiến độ.
Tại phiên họp, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho hay, Hà Nội là địa bàn rất đông học sinh với khoảng 2,3 triệu em và số lượng học sinh tăng theo từng năm, tăng từ 40.000-50.000 học sinh/năm.
“Mỗi năm, Hà Nội phải xây dựng mới từ 30-40 trường học. Do đó trách nhiệm của ngành giáo dục và đào tạo rất nặng nề và công tác đầu tư, xây dựng rất lớn”, ông Cương nói. Ông Cương cũng thừa nhận, việc các trường hiện nay vượt quá sĩ số 35 học sinh/lớp ở cấp tiểu học, 45 học sinh/lớp ở cấp THPT là rất nhiều. Đây là tiêu chí rất khó khăn với các trường trên địa bàn để đáp ứng đạt chuẩn quốc gia.
“Như năm nay, có 116.000 học sinh thi vào lớp 10 Hà Nội, trong khi tổng số chỗ học vào lớp 10 năm qua toàn thành phố là 138.600 (đến từ 118 trường công lập, 106 trường tư thực, 50 trường cao đẳng nghề có đào tạo văn hóa, 29 trung tâm giáo dục thường xuyên.
Như vậy, so sánh số chỗ học có thể với tổng số học sinh, cho thấy còn dư thừa chỗ học. Thừa thiếu cục bộ, ở một số các quận nội thành, học sinh rất đông. Nhưng ngược lại ở một số các huyện ngoại thành, số lượng học sinh còn không đủ chỉ tiêu”, ông Cương nói.