Các quốc gia cần sẵn sàng ứng phó với những mối đe dọa an ninh

Ngày 28/4, Học viện Kỹ thuật mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ phối hợp với Viện Khoa học - Công nghệ mật mã và tạp chí An toàn thông tin tổ chức hội thảo “Nghiên cứu ứng dụng Mật mã và An toàn thông tin”.

Trong phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hùng, Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã cho biết: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mở ra nhiều cơ hội, đồng thời đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân. Cuộc cách mạng này tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội.

{keywords}
Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã Nguyễn Hữu Hùng cho biết, kết quả hội thảo sẽ là nguồn tư liệu quý phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hùng, cộng đồng quốc tế phải đối phó ngày càng quyết liệt hơn với những thách thức an ninh truyền thống cũng như phi truyền thống, đặc biệt là an ninh mạng, an ninh con người và các hình thái chiến tranh kiểu mới.

Một số quốc gia tận dụng ưu thế về kinh tế, quân sự, khoa học - công nghệ gây sức ép về chính trị, kinh tế và ngoại giao; gia tăng các hoạt động thu thập, đánh cắp, giả mạo, sửa đổi thông tin... nhằm xâm phạm chủ quyền lợi ích của quốc gia khác. “Nhiệm vụ đặt ra là phải sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống; bảo đảm bảo mật và an toàn thông tin trên không gian mạng”, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hùng nhấn mạnh.

Hai nguyên tắc đảm bảo an toàn thông tin trong chuyển đổi số

Trao đổi tại tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) một lần nữa khẳng định quan điểm về an toàn thông tin trong chuyển đổi số đã được Thủ tướng Chính phủ nêu rõ trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Đó là: “Bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt không thể tách rời của chuyển đổi số. Mọi thiết bị, sản phẩm, phần mềm, hệ thống thông tin, dự án đầu tư về CNTT đều có cấu hình bắt buộc về an toàn, an ninh mạng ngay từ khi thiết kế”.

{keywords}
Cục trưởng Cục An toàn thông tin Nguyễn Thành Phúc tham luận về an toàn thông tin trong chuyển đổi số.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Phúc cũng thông tin tới các đại biểu về một số mục tiêu chiến lược của Việt Nam về an toàn thông tin từ nay đến năm 2030. Mục tiêu lớn nhất là duy trì thứ hạng cao của Việt Nam tại báo cáo xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu - GCI do Liên minh Viễn thông quốc tế đánh giá.

Thời gian qua, Việt Nam đã liên tục tăng hạng về chỉ số GCI, từ vị trí 100 thế giới vào năm 2017 lên xếp thứ 50 năm 2019 và tiếp tục tăng 25 bậc để vươn lên vị trí thứ 25 thế giới vào năm 2021. “Đây là những tiến bộ vượt bậc, đồng thời là thách thức rất lớn để chúng tôi duy trì vị trí cao của Việt Nam thời gian tới, với thứ hạng từ 25 - 30 thế giới. Nếu duy trì được thứ hạng cao, chúng ta sẽ đảm bảo được niềm tin của các nhà đầu tư với môi trường số của Việt Nam”, ông Nguyễn Thành Phúc cho hay.

Phản ánh thực trạng chủ yếu chỉ các cơ quan nhà nước đang có đơn vị bảo vệ chuyên nghiệp tham gia, đại diện Cục An toàn thông tin nêu rõ một trong những mục tiêu chiến lược là mỗi  cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có tối thiểu 1 đơn vị chuyên nghiệp bảo vệ an toàn thông tin; hình thành lực lượng bảo vệ an toàn thông tin mạng tại các bộ, ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Với người dân, các mục tiêu đặt ra cho giai đoạn đến năm 2030 là 90% người sử dụng Internet có cơ hội tiếp cận hoạt động nâng cao nhận thức, kỹ năng và công cụ bảo đảm an toàn thông tin mạng; mỗi người dân có “hiệp sĩ” bảo vệ an toàn thông tin.

Phân tích về các mục tiêu trên, đại diện Cục An toàn thông tin cho biết, năm 2020 được coi là năm khởi đầu về chuyển đổi số quốc gia, năm 2021 là năm tổng diễn tập chuyển đổi số và năm 2022 được xác định là năm tổng tiến công về chuyển đổi số. Tuy nhiên, nếu như người sử dụng Internet không có kiến thức, kỹ năng về an toàn thông tin, không tin tưởng vào môi trường mạng thì Việt Nam không thể chuyển đổi số thành công.

Bộ TT&TT đang triển khai chương trình phổ cập giải pháp bảo đảm an toàn thông tin cho từng người dân. Tới đây trên smartphone, iPad, máy tính cá nhân... của mỗi người sẽ được trang bị phần mềm bảo vệ an toàn thông tin với chi phí thấp, dự kiến giai đoạn đầu sẽ miễn phí sử dụng các tính năng cơ bản và sẽ trả mức phí rất thấp với những tính năng nâng cao. “Việc này giúp cho người dân yên tâm khi giao dịch trên môi trường số”, đại diện Cục An toàn thông tin nhận xét.

{keywords}
Bảy giải pháp chính đảm bảo an toàn thông tin trong chuyển đổi số.

Với đề nghị các tổ chức, cá nhân phối hợp cùng Bộ TT&TT triển khai chiến lược về an toàn thông tin giai đoạn 2022 - 2030 và thực hiện đầy đủ 7 giải pháp an toàn thông tin, đại diện Cục An toàn thông tin mong muốn các đại biểu sẽ phổ biến tại cơ quan, đơn vị mình về 2 nguyên tấc an toàn thông tin trong chuyển đổi số, bao gồm: Chưa đảm bảo an toàn thông tin thì chưa đưa vào sử dụng; hệ thống thông tin thử nghiệm có dữ liệu thật cần được bảo đảm an toàn thông tin như hệ thống thông tin chính thức. 

Trong khuôn khổ hội thảo “Nghiên cứu ứng dụng mật mã và an toàn thông tin” năm 2022 diễn ra ngày 28/4, bên cạnh 5 báo cáo mời, còn có 2 phiên thảo luận về 2 chủ đề Mật mã và An toàn thông tin với sự chủ trì của các chuyên gia hàng đầu Việt Nam. Những nhóm nội dung chính được các chuyên gia tập trung thảo luận tại hội thảo gồm có: Mật mã hiện đại; An toàn thông tin trong chuyển đổi số; An toàn mạng, an toàn ứng dụng; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuối khối; Bảo mật thông tin cho Chính phủ điện tử. 

Vân Anh

Người dân, doanh nghiệp dùng dịch vụ Chính phủ số được hỗ trợ bảo vệ thông tin

Người dân, doanh nghiệp dùng dịch vụ Chính phủ số được hỗ trợ bảo vệ thông tin

Một chỉ tiêu trong dự án “Xây dựng hệ thống hỗ trợ giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng phục vụ Chính phủ điện tử” là 100% người dân, doanh nghiệp dùng dịch vụ Chính phủ số được hỗ trợ bảo vệ thông tin.