Ngày 25/2/2024, New York Times (NYT) đã đăng một bài báo điều tra dài về cuộc chiến tranh gián điệp của Mỹ và Anh ở Ukraine. Bài báo công phu gần 8.000 từ được viết bởi hai nhà báo danh tiếng từng nhận giải Pulitzer là Adam Entous và Michael Schwirtz. Đây là một động thái hiếm hoi và đặc biệt, trong bối cảnh xung đột đang có những diễn biến bất lợi cho Ukraine. Các tác giả đã thực hiện hơn 200 cuộc phỏng vấn với các quan chức đương chức và cựu quan chức ở Ukraine, Mỹ và Châu Âu, hầu hết giấu tên do tính chất nhạy cảm của thông tin.
Chúng tôi xin giới thiệu nội dung tóm tắt của bài báo điều tra này:
Câu chuyện của NYT bắt đầu từ một hầm ngầm bí mật được xây dựng để thay thế trung tâm chỉ huy bị phá hủy trong những tháng đầu xung đột với Nga. Hầm ngầm này được CIA tài trợ và trang bị một phần, nằm trong một căn cứ quân sự của Ukraine trong rừng, nơi phía trên mặt đất đã bị phá hủy do một loạt tên lửa Nga. Tại đây, tình báo Ukraine đang theo dõi các vệ tinh gián điệp, máy bay không người lái của Nga và nghe lén cuộc trò chuyện giữa các chỉ huy Nga.
NYT cho rằng, “mối quan hệ đối tác tình báo giữa Washington và Kiev là mấu chốt cho khả năng tự vệ của Ukraine. CIA và các cơ quan khác của Mỹ cung cấp thông tin tình báo cho các cuộc tấn công tên lửa có mục tiêu, theo dõi các hoạt động di chuyển của quân đội Nga và giúp hỗ trợ các mạng lưới gián điệp".
Có 12 địa điểm bí mật như vậy đã được xây dựng trong 8 năm qua dọc biên giới với Nga nhờ sự hỗ trợ của CIA. Các tác giả cho biết, từ 2016, “CIA bắt đầu huấn luyện một lực lượng tinh nhuệ của Ukraine - được gọi là Đơn vị 2245 - chuyên bắt giữ máy bay không người lái và thiết bị liên lạc của Nga để các kỹ thuật viên có thể thiết kế ngược và bẻ khóa các hệ thống mã hóa của Moscow”. Tướng Kyrylo Budanov, hiện lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Ukraine, từng là thành viên của 2245. CIA cũng giúp đào tạo một thế hệ điệp viên Ukraine mới hoạt động bên trong nước Nga, khắp châu Âu, ở Cuba và những nơi khác.
NYT cũng tiết lộ, khi người Mỹ sơ tán các nhân viên ngoại giao lúc xung đột xảy ra năm 2022, CIA vẫn để các sĩ quan vẫn ở lại một địa điểm xa xôi ở miền Tây Ukraine và tiếp tục chuyển cho Ukraine các thông tin tình báo quan trọng, bao gồm cả nơi Nga đang lên kế hoạch tấn công và hệ thống vũ khí nào sẽ sử dụng.
Mối “lương duyên” của tình báo phương Tây và Ukraine, như các tác giả bài báo mô tả, vốn không phải là kế hoạch ban đầu của CIA, bởi “các quan chức Mỹ lo ngại người Ukraine không đáng tin cậy và lo lắng về việc khiêu khích Điện Kremlin". Nhưng một nhóm quan chức tình báo Ukraine đã tận tình thuyết phục CIA. Năm 2015, Tướng Valeriy Kondratiuk, khi đó là người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Ukraine, trong cuộc họp với Phó giám đốc CIA, đã giao cho CIA một chồng hồ sơ tuyệt mật về Hạm đội phương Bắc của Hải quân Nga, bao gồm thông tin chi tiết các thiết kế tàu ngầm hạt nhân mới nhất của Nga. Chẳng bao lâu sau, các thành viên của CIA thường xuyên rời khỏi văn phòng của ông với ba lô chứa đầy tài liệu.
NYT mô tả, quan hệ "tay ba" của tình báo Ukraine với CIA và cơ quan tình báo Anh MI6 bắt đầu từ việc Giám đốc cơ quan an ninh Ukraine, Valentyn Nalyvaichenko gọi cho trưởng nhóm CIA và người đứng đầu MI6 ở Kiev nửa đêm 24/2/2014, để “yêu cầu giúp đỡ xây dựng lại cơ quan từ đầu và đề xuất quan hệ đối tác ba bên”.
Nhưng lúc đó, CIA khá ngập ngừng bởi không biết chính phủ thân phương Tây sẽ tồn tại được bao lâu bởi cơ quan này từng chứng kiến mối quan hệ với tình báo Ukraine tan rã trước đây. Người Mỹ khi đó cũng lo ngại sâu sắc về việc khiêu khích Moscow, nên đã đặt ra các quy tắc. Các quy định này cấm các cơ quan tình báo cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ nào cho Ukraine mà có thể "gây ra hậu quả chết người". Một quan chức Mỹ được dẫn lời trong bài báo, nói rằng CIA dù “không thể cung cấp cá cho người Ukraine, nhưng có thể dạy họ câu cá, và cung cấp mồi câu”. Về phía Ukraine, tướng Kondratiuk cũng lập ra Cục 5, một cơ quan bán quân sự với các sĩ quan trẻ không có mối liên hệ nào với Nga để thu thập các thông tin tình báo mà CIA và MI6 không cung cấp cho họ, tất nhiên, bằng các kỹ năng và sự đào tạo của các đối tác phương Tây.
Năm 2015, Ukraine thành lập cơ quan tình báo quân sự (HUR), tướng Kondratiuk được bổ nhiệm làm người đứng đầu HUR, có thêm quyền thu thập cả thông tin tình báo ở nước ngoài. Tướng Kondratiuk biết ông cần CIA để củng cố cơ quan của mình. Họ gặp khó khăn trong việc tuyển mộ gián điệp ở Nga vì các nhân viên đều bị giám sát chặt chẽ.
Bài báo trích lời tướng Kondratiuk: “Đối với một người Nga, việc cho phép mình được tuyển dụng bởi một người Mỹ là phạm tội phản bội. Nhưng khi một người Nga được một người Ukraine tuyển dụng thì đó chỉ là bạn bè nói chuyện bên cốc bia mà thôi". Ông Kondratiuk đã đến Mỹ, làm việc với CIA, và trưởng nhóm CIA mới được cử đến Kiev. Tháng 1/2016, Kondratiuk đến Washington và họp tại Scattergood, trụ sở của CIA ở Virginia. CIA đồng ý giúp HUR hiện đại hóa và cải thiện khả năng nghe lén các liên lạc quân sự của Nga, đổi lại, Ukraine chia sẻ toàn bộ thông tin tình báo thô với người Mỹ.
Sau đó, CIA bắt đầu cung cấp radio và thiết bị mã hóa để nghe các liên lạc bí mật. CIA cũng tiến hành một chương trình đào tạo ở hai thành phố châu Âu, để dạy các sĩ quan tình báo Ukraine cách ngụy trang thuyết phục và đánh cắp bí mật ở Nga cũng như các quốc gia thành thạo trong việc truy tìm gián điệp. Chương trình này có tên là "Chiến dịch Goldfish" được triển khai tới 12 căn cứ tiền phương mới dọc biên giới Nga, nơi các sĩ quan Ukraine điều hành mạng lưới điệp viên thu thập thông tin tình báo bên trong Nga. CIA đã lắp đặt thiết bị tại các căn cứ để giúp thu thập thông tin tình báo và chọn ra một số thành viên hoàn thành chương trình Goldfish xuất sắc. Những người này sau đó đã đào tạo các điệp viên trên lãnh thổ Ukraine để tiến hành các hoạt động du kích.
Thường phải mất nhiều năm để CIA xây dựng căn cứ ở nước ngoài để bắt đầu tiến hành các hoạt động chung. Với người Ukraine, việc này chỉ mất chưa đầy sáu tháng. Mối quan hệ đối tác mới bắt đầu tạo ra nhiều thông tin tình báo thô sơ về Nga đến mức phải chuyển về trụ sở CIA ở Langley, Mỹ để xử lý.
Các tác giả kể về câu chuyện của chính tướng Budanov, lúc đó là thượng tá thuộc đơn vị 2245, một người nổi tiếng với những hoạt động táo bạo sau phòng tuyến của Nga và có mối quan hệ sâu sắc với CIA. Vụ đột nhập Crimea của Budanov bằng thuyền hơi lúc đó thất bại, nhưng đã khiến Moscow tức giận, Nhà Trắng cũng có phản ứng mạnh mẽ, thậm chí một số cố vấn của ông Obama muốn đóng cửa chương trình của CIA.
Việc ông Trump đắc cử vào tháng 11/2016 đã khiến sự hợp tác giữa Ukraine và CIA gặp khó khăn nhưng không dừng lại. Căn cứ trong rừng được mở rộng thêm với một trung tâm chỉ huy và doanh trại mới, số sĩ quan tình báo Ukraine tăng từ 80 lên 800 người. Tướng Budanov, người được ông Zelensky bổ nhiệm lãnh đạo HUR vào năm 2020, nói về mối quan hệ đối tác: “Nó được củng cố và phát triển một cách có hệ thống. Sự hợp tác mở rộng sang các lĩnh vực khác với quy mô lớn hơn". Sự thành công này khiến CIA muốn nhân rộng với các cơ quan tình báo châu Âu khác có chung mục tiêu chống lại Nga, một cuộc họp bí mật tại The Hague của đại diện CIA, MI6 của Anh, HUR, cơ quan tình báo Hà Lan đã cho ra đời liên minh bí mật chống lại Nga - và người Ukraine là thành viên quan trọng của liên minh đó.
Sau sự kiện 24/2/2022, các sĩ quan CIA là lực lượng hiện diện duy nhất của chính phủ Mỹ, hàng ngày họ gặp những người Ukraine liên lạc để trao đổi thông tin, và cung cấp cho Kiev nhiều thông tin quan trọng. Một số nhân viên CIA đã được triển khai đến các căn cứ của Ukraine. Họ xem xét danh sách các mục tiêu tiềm năng của Nga mà Ukraine đang chuẩn bị tấn công, so sánh thông tin mà Ukraine có được với tình báo Mỹ để đảm bảo rằng thông tin đó là chính xác.
Các tác giả của NYT đề cập đến một sự kiện được cho là "điển hình" của sự hợp tác tình báo "tay ba" này. Đó là, vào tháng 7/2022, các điệp viên Ukraine nhìn thấy đoàn xe Nga chuẩn bị vượt qua cây cầu chiến lược bắc qua sông Dnipro và thông báo cho MI6. Các sĩ quan tình báo Anh và Mỹ sau đó nhanh chóng xác minh thông tin tình báo Ukraine bằng cách sử dụng hình ảnh vệ tinh thời gian thực. MI6 chuyển tiếp xác nhận và quân đội Ukraine đã phóng tên lửa, phá hủy đoàn xe.
Vài tuần trước, Giám đốc CIA William J. Burns đã đến Kiev, trong một sứ mệnh được mô tả là để "thể hiện cam kết rõ ràng với Ukraine trong nhiều năm tới".
Nhưng giờ đây, một số sĩ quan tình báo Ukraine lo ngại việc Mỹ có thể cắt hàng tỷ USD viện trợ và khi đó CIA sẽ bỏ rơi họ, như lời một sĩ quan cấp cao của Ukraine: “Điều đó đã xảy ra ở Afghanistan trước đây và bây giờ nó sẽ xảy ra ở Ukraine”.
Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, các căn cứ của HUR và CIA vẫn tiếp tục hoạt động và thông tin vẫn được chia sẻ với cơ quan tình báo Mỹ.