Trung Quốc
Trung thu là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm của người Trung Quốc. Nó còn được gọi là tết Đoàn viên, là dịp để mọi người dù có ở đâu xa cũng có thể về đoàn tụ với gia đình. Trung Thu ở quốc gia tỷ dân này vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống. Món bánh không thể thiếu trong dịp lễ đó là bánh trung thu.
Hình dạng tròn của bánh, giống như trăng rằm tháng 8, tượng trưng cho sự đoàn tụ gia đình. Vào dịp Trung thu mọi người cùng ăn bánh trung thu với gia đình hoặc tặng bánh trung thu cho người thân, bạn bè để bày tỏ tình yêu và những lời chúc tốt đẹp nhất.
Để làm bánh, các nguyên liệu được sử dụng nhiều nhất bao gồm bột hạt sen, bột hạt dưa, giăm bông, thịt gà, vịt, thịt lợn quay, nấm, lòng đỏ trứng... Từng vùng miền, từng khu vực, hương vị bánh có chút thay đổi.
Nhật Bản
Ở Nhật Bản, tết Trung thu được gọi là lễ hội Otsukimi hay lễ hội ngắm trăng. Trong lễ hội này, mọi người tụ tập cùng gia đình, bạn bè để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của trăng tròn, cầu xin phước lành cho một mùa màng bội thu.
Ở Nhật Bản, tết Trung thu được tổ chức 2 lần trong năm. Lần thứ nhất tổ chức vào đêm rằm tháng 8, lần thứ 2 diễn ra vào đêm 13/9 âm lịch, thường được gọi là đêm "trăng sau".
Món bánh truyền thống không thể thiếu của người Nhật trong đêm ngắm trăng là bánh nếp Tsukimi Dango. Chiếc bánh làm từ gạo nếp, nhỏ, tròn tượng trưng cho mặt trăng. Thưởng thức món bánh sẽ mang lại sức khoẻ, hạnh phúc. Món bánh này sẽ được xếp chồng lên nhau như hình tháp trên một kệ gỗ, mỗi tháp bánh sẽ có khoảng 15 chiếc.
Tháp bánh này sẽ được bày cùng những hạt dẻ, khoai môn và một chút cỏ lau để mọi người vừa thưởng thức, vừa thưởng trăng.
Hàn Quốc
Lễ Trung thu của người Hàn hay còn gọi là Chuseok, là 1 trong 2 dịp lễ lớn trong năm. Lễ Chuseok mang ý nghĩa là ngày lễ tạ ơn, thường kéo dài trong 3 ngày là trước Trung thu, Trung thu và sau Trung thu.
Đây là dịp để gia đình đoàn tụ và cùng nhau quây quần, tạ ơn tổ tiên vì đã cho một mùa màng bội thu, đồng thời cầu mong một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Những người phụ nữ trong nhà làm việc chăm chỉ trong nhiều ngày để chuẩn bị một bữa tiệc vào ngày rằm tháng 8. Mâm cỗ ngày rằm được chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng, chỉn chu và hoành tráng. Trong đó, không thể thiếu món bánh truyền thống mang tên Songpyeon.
Bánh làm từ bột gạo nếp, có hình bán nguyệt. Nhân bánh ngọt, làm từ đậu xanh, mè đen, hạt dẻ. Bánh được hấp trên một lớp lá thông tươi tạo nên mùi hương vô cùng đặc biệt.
Tuỳ từng vùng miền, bánh được làm thành nhiều hình dáng khác nhau nhưng phổ biến nhất là hình trăng khuyết.
Người Hàn cho rằng trăng khuyết rồi sẽ tròn đầy. Bánh mang ý nghĩa nảy nở, phát triển, hạnh phúc viên mãn.