Nếu Hà Giang có món cháo ấu tẩu, Hải Phòng có cháo khoái trứ danh thì vùng đất Quảng Trị đầy nắng và gió lại nổi tiếng với món cháo cá vạt giường. Không chỉ có tên gọi khác lạ mà đặc sản này còn gây ấn tượng bởi cách thưởng thức độc đáo “có một không hai”.
Cháo cá vạt giường (hay còn gọi là cháo bột Hải Lăng, bánh canh cá lóc) là đặc sản của tỉnh Quảng Trị. Tên gọi trên xuất phát từ cách chế biến độc đáo của món cháo này.
Cháo được nấu từ phần bột cán mỏng, thái thành từng sợi nhỏ, dài trông giống như những thanh tre của vạt giường. Đó cũng là nét khác biệt của cháo vạt giường so với các món cháo mềm nhuyễn nấu từ hạt gạo khác.
Cháo cá vạt giường (hay bánh canh cá lóc) là đặc sản “hút” khách ở Quảng Trị (Ảnh: @Foodcollectionsmy)
Món cháo này được làm từ hai nguyên liệu chính là phần bột gạo và cá lóc. Tuy là món ăn dân dã của người địa phương nhưng cháo vạt giường đòi hỏi quá trình chế biến kỳ công.
Tùy khẩu vị và sở thích mỗi nơi mà người ta có thể sử dụng bột gạo, bột lọc hoặc bột mì để nấu cháo vạt giường nhưng phổ biến hơn cả là bột gạo. Bột phải được chọn lọc từ loại gạo thơm ngon, không quá dẻo hoặc quá khô.
Cháo cá vạt giường là món ăn dân dã nhưng có quá trình chế biến khá kỳ công (Ảnh: Lê Trung Thu Hằng)
Gạo phải được vo sạch, ngâm nước đủ 2 tiếng đồng hồ rồi đem xay nhuyễn. Sau đó, cho gạo vào những tấm vải sạch, buộc chặt và đè vật nặng lên trên. Chờ bột khô, đóng thành từng tảng lớn thì lấy ra nhào, sau đó dùng ống tre, chày gỗ hoặc chai thủy tinh để cán bột thật mỏng rồi thái thành những sợi dài vừa ăn.
Sợi bột ngon phải có độ dai nhất định, không quá ướt hoặc quá khô. Bởi vậy công đoạn nhào bột được xem là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng món cháo.
Bột được cán mỏng, thái sợi dài như thanh tre của vạt giường. Bởi vậy mà món cháo được gọi bằng cái tên độc đáo (Ảnh: Lê Trung Thu Hằng)
Cá lóc muốn ngon phải chọn những con cá to, dày thịt, thịt săn chắc thì khi nấu mới ngọt nước. Cá được sơ chế sạch, luộc chín kỹ rồi lọc lấy thịt. Loại cá này nhiều xương nhỏ nên quá trình lọc thịt phải thật tỉ mỉ và cẩn thận để không bị hóc xương khi thưởng thức.
Đặc biệt, món cháo này sử dụng luôn cả phần lòng cá béo ngậy thay vì bỏ đi như các món ăn khác. Bộ lòng cá được rửa sạch, ướp gia vị rồi xào lăn. Đây là nguyên liệu điểm nhấn góp phần làm tăng hương vị thơm ngon của cháo vạt giường.
Thịt cá lóc được lọc cẩn thận, tẩm ướp gia vị nên có vị đậm đà (Ảnh: @ntvvirus)
Thịt cá lóc đem ướp gia vị như muối, tiêu, nén, ớt, nước mắm rồi xào thơm. Đầu và xương đem hầm lấy nước, nêm nếm gia vị thành nước dùng có độ ngọt đậm đà. Khi nước sôi, cho sợi bột vào đun. Cuối cùng, múc cháo ra tô, thêm thịt cá lóc và gia vị là có thể thưởng thức.
Tùy sở thích mỗi người mà có thể rắc lên tô cháo một ít lá nén hoặc hành phi thơm lừng. Đặc biệt món cháo này thường được thưởng thức cay với vài lát ớt ngâm nước mắm, hạt tiêu tươi, vừa ăn vừa xuýt xoa vị tê tê nơi đầu lưỡi.
Không chỉ được chế biến tỉ mỉ, món cháo cá vạt giường còn có cách thưởng thức “chẳng giống ai”. Thay vì sử dụng thìa, muỗng như các món cháo nhuyễn nấu từ gạo, người ta phải dùng đũa mới có thể thưởng thức kiểu cháo “lạ đời” này.
Khi thưởng thức cháo cá vạt giường, thực khách sẽ cảm nhận được vị ngọt thơm từ nước dùng, vị đậm đà mặn mà của cá đã thấm gia vị, vị dai mềm của sợi bột cùng chút cay nồng của tiêu, ớt.
Cháo cá vạt giường được ăn kèm củ nén - một loại gia vị đặc trưng của mảnh đất miền Trung (Ảnh: Lê Trung Thu Hằng)
Ngoài nguyên liệu là cá lóc, món cháo nức tiếng này ngày nay đã được biến tấu đa dạng hơn. Người ta có thể thay cá bằng thịt vịt, tôm,... nhưng mùi vị và cách chế biến không có sự thay đổi. Cháo cá vạt giường có thể thưởng thức quanh năm, suốt tháng và được ưa chuộng bất kỳ thời điểm nào trong ngày.
Món cháo chứa đựng hương vị mặn mòi của biển, của vùng đất gió Lào cát trắng. Nó còn xuất hiện trong ca dao, đi vào nỗi nhớ của bao người con Quảng Trị:
“Nhớ chi như cháo vạt giường, đứng mơ mùi nén, ngồi thương mùi hành
Hải Lăng bán cháo vạt giường, Trí Bưu bán ngói, Xuân Trường bán dưa”.
Phan Đậu