Các kiến nghị từ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội... đề nghị không nên để Lịch sử là môn học tự chọn ở Chương trình phổ thông mới khiến cho việc chuẩn bị giảng dạy môn học này ở các giáo viên Lịch sử có sự trì hoãn.
Nếu có ý kiến sớm hơn, sự việc không ở thế khó như bây giờ
Thầy giáo Duy Khánh ở Phú Yên cho biết dù ủng hộ quan điểm Lịch sử nên là môn học bắt buộc, nhưng thầy cũng nghĩ rằng việc thế hệ trẻ thiếu hiểu biết về lịch sử không phụ thuộc nhiều vào việc đây là môn bắt buộc hay lựa chọn.
"Quan trọng là cách dạy, cách thi và tính khách quan của Sử học có được đảm bảo hay không” – thầy giáo này bày tỏ quan điểm.
Theo thầy Khánh, trước đây, Lịch sử là môn bắt buộc nhưng năm nào điểm thi THPT môn Sử cũng đội sổ, bản thân thầy chấm bài cũng "tá hoả" vì sự kém hiểu biết về lịch sử của học sinh”.
Khi chỉ còn vài tháng nữa là đến năm học mới, thầy Khánh cho rằng, nếu Lịch sử trở thành môn bắt buộc hiển nhiên chương trình - SGK cần thay đổi.
“Hiện nay, chương trình biên soạn theo chuyên đề, mang tính định hướng nghề nghiệp, nếu bắt buộc thì phải thay đổi thành đại trà và giảm thời lượng chương trình.
Tất nhiên nếu thay từ lựa chọn thành bắt buộc thì sẽ phải thay đổi cả hệ thống, thay từ THCS và THPT và thay cả SGK các môn khác. Tôi có thể hình dung là cực kỳ phức tạp.
Tuy nhiên, về phần việc của giáo viên bộ môn, tôi đã chuẩn bị tâm thế và cả công cụ cho dạy học theo SGK mới, nếu thay đổi tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến sự chuẩn bị, nhưng điều đó không quan trọng. Miễn môn Sử được coi trọng (trở thành môn bắt buộc) là tôi vui rồi”.
Chia sẻ thêm, thầy Khánh cho biết “Một điều tôi thấy khá lạ là, lúc chương trình mới được xây dựng không thấy ai nói gì. Thời điểm đó, tôi không để ý nhưng giả dụ có để ý và phản đối Lịch sử không thể là môn lựa chọn lúc đó chắc cũng chỉ như giọt nước trong đại dương.
Vậy mà đùng một cái, từ giáo sư, tiến sĩ, giảng viên... phản đối rầm rộ vào phút chót. Đáng lý, những người đó cần phản đối ngay khi chương trình đang chuẩn bị thì sự việc sẽ không ở trong tình thế khó quyết như bây giờ”.
Một giáo viên ở Nghệ An nhận định, việc đến nay các giáo viên Lịch sử nêu ý kiến phản biện mà không phải thời điểm xin ý kiến góp ý cho chương trình phổ thông tổng thể cũng có những lý do khách quan.
“Ở thời điểm chương trình mới ra, có quá nhiều nội dung mới ở cả 3 cấp và giáo viên thực tế cũng chưa được biết rõ ràng, rành mạch tất cả”.
Mặc dù không đồng tình việc môn Lịch sử trở thành môn lựa chọn, song vị giáo viên này cũng thừa nhận giờ đây - khi chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã “chốt” - việc thay đổi trở thành môn bắt buộc cũng không hề dễ dàng.
“Nếu điều chỉnh để môn Sử trở thành môn lựa chọn bắt buộc thì chương trình của môn học này ở cấp THPT cũng cần được thiết kế, tính toán lại. Nhưng như vậy, không chỉ thay đổi đối với môn học này mà còn kéo theo phải điều chỉnh thời lượng, thiết kế chương trình của các môn học khác.
Giờ đây, chính Bộ GD-ĐT cũng đang vào thế khó và tôi cũng đang tò mò không biết Bộ GD-ĐT sẽ quyết định xử lý ra sao” - thầy giáo này chia sẻ.
Hiệu trưởng sốt ruột chờ 'phương án cuối'
Trong khi đó, cán bộ quản lý ở cơ sở giáo dục lại nặng mối lo khác.
Hiệu trưởng một trường THPT ở Hải Phòng nhận định, các trường cũng như đang “đẽo cày giữa đường”, chưa biết xử trí như thế nào dù thời gian đến năm học mới đã rất cận kề.
“Thực ra, nếu như phía Bộ GD-ĐT nói thì ở Chương trình phổ thông mới, tổng số tiết Lịch sử mà học sinh được học còn nhiều hơn so với chương trình hiện hành. Chỉ là ở Chương trình phổ thông mới thay đổi quan điểm, tức đến cấp THPT, định hướng giáo dục nghề nghiệp rõ hơn khi cho học sinh tập trung học những môn sẽ sử dụng ở những bậc học sau. Chương trình phổ thông tổng thể đã ra rồi, nhưng đến giờ phút này khi năm học mới gần đến nơi, lại vẫn chưa ngã ngũ. Nói thật, chúng tôi cũng cảm thấy rất mệt mỏi”.
Theo vị này, không nên có lối tư duy “làm cỗ phải chèn vào cho đủ món”.
“Bây giờ, nếu các môn khác cũng đấu tranh để được là môn bắt buộc thì biết làm sao? Và nếu áp đặt môn học là "lựa chọn bắt buộc" thì có thực sự là tôn trọng người học?” - vị này đặt vấn đề.
Cô N.T.N., hiệu trưởng một trường THPT khác, cũng chia sẻ đang sốt ruột chờ phương án chốt cuối cùng.
“Nhà trường cũng đành chờ đợi có kết luận cuối cùng để tính phương án chuẩn bị triển khai một thể. Với lớp 10 tuyển sinh năm nay, chúng tôi sẽ làm một cuộc tư vấn định hướng đầu cấp, nhưng dự kiến sẽ rất khó khăn”.
Cô giáo này cho rằng nếu điều chỉnh môn Lịch sử từ lựa chọn sang bắt buộc thì thiết kế Chương trình phổ thông mới ở bậc THPT gần như bị “vỡ trận”.
“Sẽ phải sửa số tiết, không chỉ môn học này mà mà còn kéo theo sửa số tiết các môn học khác. Bởi theo thiết kế ban đầu, môn học bắt buộc là 12 tiết/tuần, môn học lựa chọn 10 tiết/tuần, cộng với các chuyên đề học tập, các hoạt động giáo dục địa phương, tổng cộng là 29 tiết/tuần.
Nếu đưa Lịch sử vào môn bắt buộc thì phải tăng số tiết, như vậy sẽ giảm số tiết của môn học bắt buộc nào trước đây? Chưa kể tạo nên sự bất bình đẳng trong việc lựa chọn các nhóm môn Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội” - cô giáo phân tích.
Theo cô N., việc cho đến nay vẫn chưa chốt được phương án giảng dạy khiến các nhà trường mất đi sự chủ động.
“Theo tôi nghĩ, cần làm sao để môn Lịch sử được khẳng định bằng cách dạy học, phương pháp giảng dạy, sức hấp dẫn của sách giáo khoa để học sinh tự lựa chọn thay vì việc chuyển thành lựa chọn nhưng bắt buộc”.
Chủ tịch Hội đồng thẩm định chương trình: Hãy để qua triển khai thực tế rồi khảo sát, đánh giá PGS Trần Kiều, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định Chương trình tổng thể giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT (Chương trình Giáo dục phổ thông 2018). Chia sẻ lại câu chuyện thẩm định cách đây 4 năm, PGS Trần Kiều cho biết, trong thành phần hội đồng thẩm định chương trình mới khi ấy có 2 nhà Sử học, và một trong hai người là cố GS Phan Huy Lê (từng giữ chức vụ Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam). GS Trần Kiều cho biết cả Chương trình tổng thể và Chương trình môn học, hoạt động giáo dục đều được thẩm định theo đúng quy trình với các tiêu chí cụ thể do Bộ GD-ĐT ban hành. Riêng với môn Lịch sử, cố GS Phan Huy Lê rất quan tâm tới việc dạy và học Sử trong trường phổ thông. Những góp ý cho chương trình của ông hiện vẫn được lưu lại trong các biên bản làm việc của hội đồng thẩm định. Với đề xuất Lịch sử là môn học lựa chọn ở bậc THPT, theo PGS Trần Kiều, những lý lẽ được tiểu ban chương trình đưa ra chặt chẽ và thuyết phục, do đó các thành viên trong Hội đồng thẩm định đều đồng ý với việc tổ chức dạy học này. Hội đồng thẩm định cho rằng kiến thức lịch sử phổ thông đã được chuẩn bị đầy đủ ở tiểu học và THCS. Khi lên THPT, nếu học sinh yêu thích môn học này thì tiếp tục tìm hiểu. Trước những tranh luận hiện nay về việc dạy học bắt buộc đối với môn Lịch sử ở bậc THPT cho tất cả học sinh, PGS Trần Kiều cho biết quan điểm của ông là “Chương trình hoàn toàn có thể điều chỉnh chứ không phải cố định”. “Tuy nhiên, nếu điều chỉnh phải đưa ra được lý do đúng, chặt chẽ; có cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn để đánh giá, chứ không thể đưa ý kiến một cách cảm tính là phải sửa. Nếu điều chỉnh, nội dung phải cụ thể, kế hoạch phải được chuẩn bị kỹ càng về thời gian, tiến độ thực hiện để tránh ảnh hưởng lớn đến cấu trúc chương trình đã được phê duyệt”. Với thực tế là chỉ còn vài tháng nữa là bắt đầu năm học mới, PGS Trần Kiều đề xuất hãy để qua triển khai thực tế rồi khảo sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình mới trong đó có việc tổ chức dạy học môn lịch sử để thấy các vấn đề thực tiễn đặt ra có liên quan tới đề nghị học bắt buộc hay tự chọn. Từ đó đưa ra giải pháp thuyết phục để quyết định tự chọn hay bắt buộc. |
Chính phủ tiếp thu ý kiến giữ Lịch sử là môn bắt buộc Trong báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV sáng ngày 23/5, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết Chính phủ sẽ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của nhân dân, đại biểu Quốc hội về việc quy định Lịch sử là môn bắt buộc trong chương trình giáo dục ở cấp trung học phổ thông. |
Ngân Anh - Lan Anh