Tháng 10/2012, hội nghị Trung ương 6, khóa 11 của Đảng ban hành nghị quyết 19 “Về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Trung ương lúc đó nhận định: “Công tác quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều hạn chế, nhất là trong quy hoạch sử dụng đất, định giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư, các thủ tục hành chính về đất đai. 

Lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được bảo đảm tương xứng; nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; việc sử dụng đất nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này còn lớn; thị trường bất động sản phát triển không ổn định, thiếu lành mạnh, giao dịch 'ngầm' còn khá phổ biến; tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp”.

Nhận định cách đây 10 năm vẫn rất thời sự

Hơn 1 năm sau, ngày 29/11/2013, Quốc hội đã thông qua luật Đất đai (sửa đổi), sau này gọi là luật Đất đai 2013. Hai vấn đề nổi bật của luật gồm “quy định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; để phát triển kinh tế - xã hội, vì mục đích quốc gia công cộng” và “Cơ quan nhà nước quyết định giá đất”.

Tất nhiên, khi 89,96% đại biểu tán thành thông qua luật Đất đai 2013, chắc là Quốc hội cũng kỳ vọng luật này sẽ góp phần giải quyết dứt điểm những vấn đề về đất đai đã tồn tại dai dẳng 10 năm trước đó, từ khi có luật Đất đai 2003. 

Những cơ sở để kỳ vọng có thể kể đến là việc các quy định về kế hoạch sử dụng đất, thẩm quyền thu hồi đất rất rõ ràng từ Quốc hội cho đến Thủ tướng và HĐND cấp tỉnh. Hơn nữa, các quy định về giá đất và quyền quyết định giá đất, khung giá đất định kỳ 5 năm cũng được kỳ vọng sẽ giải quyết những vướng mắc, phòng ngừa sai phạm.

{keywords}
Hi vọng về một “luật Đất đai mới” sẽ cởi trói cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tuy vậy, không phải lúc nào những mục đích tốt đẹp ấy cũng đạt được. Thực tế trong 10 năm qua, những “biến tướng” trong áp dụng pháp luật về thu hồi đất, bán tài sản công là đất… đã không ít lần gây ra chuyện bi ai cho nhân dân và những đại án dù người dân “nức lòng” thì trong thời hạn ngắn cũng không khắc phục nổi hậu quả. 

Có quá nhiều những vụ việc nổi cộm như Thủ Thiêm cách đây hơn 20 năm hay mới đây là ở Bình Thuận. Tất cả đã phá hỏng những định hướng, chủ trương tốt đẹp của Trung ương và gây ra những hệ lụy cho chính sách pháp luật về đất đai của Nhà nước.

Hình ảnh hàng đoàn người nông dân “mất đất” đi khiếu nại, tố cáo lên cả cấp cao ở Trung ương không chỉ diễn ra ở đời thường, mà còn hiển hiện cụ thể trong các báo cáo về khiếu nại, tố cáo của các cơ quan thanh tra, tư pháp qua nhiều nhiệm kỳ đại hội. 

Các báo cáo đất đai đều có điểm chung: “Các khiếu nại, tố cáo về đất đai vẫn chiếm đa số”. Khi một vấn đề trở thành “điệp khúc” hàng thập kỷ thì rõ ràng thực tế và pháp luật vẫn còn độ vênh, vẫn còn khoảng cách. Những “ung nhọt”, trong áp dụng pháp luật về đất đai không được giải quyết triệt để, và trong nhiều trường hợp “ung nhọt” đã phát triển thành “tế bào ung thư”.

Đương nhiên, còn có cả những lý do từ sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa luật Đất đai 2013 với các luật được ban hành sau thời điểm luật này ra đời. Không phải các nhà làm luật không nhận ra những bất cập đó, nhưng có lẽ những lý do không hẳn là xuất phát từ pháp luật, thực tiễn… đã làm cho quá trình điều chỉnh, sửa đổi luật Đất đai 2013 đã không diễn ra như kỳ vọng. Ví dụ, việc sửa luật lẽ ra được tiến hành hồi tháng 5/2020 thì lại bị lùi sang nhiệm kỳ này dù trước đó đã có hàng loạt tổng kết công phu.

Tại hội nghị lần thứ 4 của Ban chỉ đạo Trung ương tổng kết nghị quyết số 19 diễn ra tại trụ sở Chính phủ ngày 14/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định: “Đất đai là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm được sự quan tâm của toàn xã hội, liên quan đến mọi mặt của đời sống kinh tế và xã hội, mọi người dân”.

Ông yêu cầu việc tổng kết nghị quyết 19 cần tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp năm 2013… đồng thời giải quyết được các vấn đề có tính chất cụ thể, ngắn hạn trong từng giai đoạn, giải phóng tối đa, khai thác, phát huy cao nhất hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ phát triển đất nước, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nhất là góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Nhận định và chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tổng kết thực tiễn trong lĩnh vực đất đai trong 10 năm qua. Nhiệm kỳ này, việc Chính phủ đặt sửa đổi luật Đất đai 2013 là một nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu là một điều đáng nói.

Song, sửa đổi luật là vấn đề nhạy cảm, phức tạp. Hy vọng rằng, phương châm “xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo” đã có thể giảm những âu lo của các nhà hoạch định chính sách. Công luận thấy không chỉ Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ TN&MT mà ngay cả UB Trung ương MTTQ Việt Nam cũng vào cuộc bằng những báo cáo rất thẳng thắn.

Các vấn đề về chồng chéo pháp luật, thu hồi đất, giao đất cho doanh nghiệp, tài chính đất đai, quyền sở hữu đất đai, tái định cư khi thu hồi đất… đã được nhận diện ở cả Trung ương và địa phương. Ban Kinh tế Trung ương thậm chí còn đi nhiều địa phương để trực tiếp lắng nghe chính quyền, chuyên gia, doanh nghiệp bày tỏ quan điểm của mình về pháp luật đất đai cũng như việc triển khai những chính sách pháp luật ấy.

Người dân thấy được sự tích cực, nỗ lực từ các cơ quan hữu quan. Hi vọng về một “luật Đất đai mới” sẽ cởi trói cho người dân, doanh nghiệp, hạn chế được các sai phạm truyền thống về đất đai và nếu có sai phạm thì cũng chỉ là hãn hữu. Kỳ vọng ấy không thể là đồ xa xỉ mà phải được bồi bổ để củng cố lòng tin xã hội và tạo vốn cho phát triển.

Chân Luận

Luật Đất đai nhìn từ vụ ‘trúng thầu, bỏ cọc’ của Tân Hoàng Minh

Luật Đất đai nhìn từ vụ ‘trúng thầu, bỏ cọc’ của Tân Hoàng Minh

Vụ Tân Hoàng Minh trúng thầu lô đất hơn 1ha tại Thủ Thiêm với giá hơn 2,4 tỷ đồng/m2 rồi bỏ cọc gây chấn động trong khuôn khổ đấu thầu về đất đai và sâu xa hơn, cả ở thị trường bất động sản.