“Bà trùm” khu chung cư cũ
Ban ngày, chung cư Tôn Thất Đạm (Quận 1, TP.HCM) như ngủ say. Các quán cà phê, shop quần áo… vẫn hoạt động nhưng tĩnh lặng trong tiếng nhạc du dương. Chút ồn ã, náo nhiệt hiếm hoi vào giờ này có lẽ đến từ bà Nguyễn Thị Tý (75 tuổi), người được mệnh danh là “bà trùm” của khu chung cư này.
Bà Tý ngồi trước nhà, trông xe cho khách ra vào khu chung cư đã nhiều năm nay. Tính bà hào sảng nhưng thích sự kỷ luật. Ai để xe không đúng vị trí, không chịu khó gọn gàng, sạch sẽ… bà nói thẳng, không rào trước đón sau.
Khi được hỏi, bà Tý không giấu giếm mà tự hào giới thiệu: “Tôi là trùm khu này”. Tuy nhiên, cách cắt nghĩa danh xưng bà trùm của bà Tý khiến ai cũng thích thú.
Bà kể: “Tôi có đến 40 năm sống ở chung cư. Từ đó đến giờ, trải qua biết bao thăng trầm, biết rõ người đi, kẻ ở, chuyện vui chuyện buồn ở đây… Bây giờ, ai ra vào chung cư tôi đều quen biết, ai đến cũng phải hỏi tôi… Trùm là vậy đó chứ không phải là trùm kiểu giang hồ hay chuyện lớn lao gì đâu”.
Sau năm 1975, khi Nhà nước tiếp quản chung cư Tôn Thất Đạm, bà viết đơn xin vào ở. Lúc đó, bà được cấp 1 căn hộ nhỏ ở góc chung cư, rộng chừng 12m2. Sau này, bà mua được căn nhà ở dưới đất.
Nhưng nhà cũng nhỏ, chỉ 29,5m2. Sau nhiều lần cơi nới, sửa chữa, giờ nhà bà trông khang trang, chắc chắn. Bà làm thêm cái gác lửng để hai vợ chồng ở. Phần ở dưới, bà cho thuê lấy tiền trang trải.
Bà Tý kể: “Thời chế độ cũ, tôi là nhân viên kế toán. Giải phóng, tôi làm việc trong bưu điện thành phố. Tôi làm 28 năm thì nghỉ hưu. Chỗ tôi ở bây giờ, trước giải phóng là khu thương mại.
Phía sau nhà tôi hồi đó là dãy nhà vệ sinh do Pháp thiết kế. Phía trước là gara xe hơi. Sau này, gara được trưng dụng, sửa chữa thành nhà ở, hàng quán như bây giờ”.
“Món quà trời cho”
Sống ở chung cư cũ nhất TP.HCM từ những năm 1980, bà Tý thấu hiểu từng ngõ ngách, câu chuyện của những cư dân nơi đây. Đến bây giờ, bà yêu khu chung cư như yêu chính cuộc sống của mình.
Ngày nào bà cũng đem ghế ra trước nhà ngồi, nhìn lên những mảng tường loang lổ của chung cư để nhớ ngày đầu về đây ở. Những năm đó, cư dân chung cư đa phần là cán bộ Nhà nước.
Cuộc sống khó khăn, chung cư lại lụp xụp, cũ kỹ vì được xây dựng từ thời Pháp nên nhiều người không muốn gắn bó. Những hộ có điều kiện đều rời bỏ chung cư đi mua nhà khác khang trang hơn. Hộ khó khăn cũng bán căn hộ, đi tìm cơ hội mới.
Duy chỉ có bà Tý là gắn bó, cố gắng thi gan cùng những khó khăn của thời cuộc. Bà kể: “Lúc tôi đến ở, chung cư vắng lắm. Người ta bỏ đi nhiều vì chung cư cũ quá, không ai tin ở đây có thể làm ăn, phát triển.
Chỉ có tôi là tin đất này sẽ trở thành đất vàng nên cố bám víu. Ai hỏi vì sao không đi, tôi chỉ cười, nói: “Ở lại mà hưởng đất vàng chứ dại gì mà đi”. Sau này, nơi đây trở thành đất vàng thật. Tôi chỉ trông xe thôi mà lo đủ cho 4 đứa con có nhà cửa, ra ở riêng”.
“Cũng như tôi, bà bán bún trước hẻm, từ Bắc vào đây mưu sinh. Lúc đầu, cả nhà phải ngủ gầm xe mà sau này mua được căn hộ trên chung cư. Bây giờ, họ cho thuê lại nên cũng rủng rỉnh tiền”, bà nói thêm.
Nhiều năm trở lại đây, nét cổ kính của chung cư được chú ý, khách đến đây nhiều hơn. Nhiều cư dân cho thuê căn hộ, biến chúng thành những hàng quán đặc biệt. Về đêm, chung cư lung linh ánh đèn với những hoạt động sôi nổi từ nhiều hàng quán.
Bà nói: “Ngoài quán cà phê, shop thời trang, chung cư còn có các quầy bar Đức, Pháp…. Mỗi hàng quán, bar… có nét đặc trưng riêng, thu hút nhiều khách đến vui chơi mỗi đêm nên công việc giữ xe của tôi lại có thêm thu nhập.
Ngoài ra, mỗi tháng, tôi còn có tiền cho thuê nhà, tiền lương hưu. Ngồi không cũng có tiền, tôi luôn xem việc được vào ở trong chung cư, mua được căn hộ ở đây là sự may mắn, món quà trời cho. Thế nên, tôi chưa bao giờ có ý định rời bỏ khu chung cư này”.