Đến Quảng Bình du lịch, theo chỉ dẫn của người dân địa phương sành ăn, nhiều du khách tìm đến quán mệ Mận nằm trong con đường nhỏ dẫn vào Bệnh viện Đa khoa Khu vực Bắc Quảng Bình, ở thị xã Ba Đồn. 

Gọi là quán, nhưng ở đây không có biển hiệu, nhân viên. Vợ chồng ông Trần Đình Ngự (73 tuổi) và bà Đặng Thị Mận (67 tuổi) mở quán từ hơn chục năm nay. Ở Quảng Bình bà được gọi bằng mệ, và quán sò huyết của ông bà được người dân địa phương gọi thân thương là quán mệ Mận.

Khách đến quán ăn có hai lựa chọn: trải chiếu ngồi giữa nền gạch trong nhà, hoặc ngồi ở khoảng sân rộng chừng 30m2 rợp bóng cây, có 3, 4 bộ bàn nhỏ cùng 3 chiếc dù che nắng. 

Quán sò huyết mệ Mận nằm trong con đường nhỏ, không có biển hiệu

Bàn ăn được kê ngoài sân dưới tán cây xanh mát (Ảnh: nhatnam/ Otofun)

Vừa là đầu bếp, vừa trực tiếp phục vụ thực khách từ hơn chục năm nay, ông Ngự và mệ Mận luôn khiến thực khách phải tấm tắc khen bởi món sò huyết hương vị tươi ngon, lạ miệng mà còn bởi cách bày trí tỉ mỉ, độc đáo. 

Món sò huyết ở quán mệ Mận được làm công phu, tỉ mẩn và rất khác lạ

Để có được nguyên liệu chất lượng, mệ Mận phải đặt hàng từ những người dân khai thác sò ở sông Sông Roòn (huyện Quảng Trạch). Sò ở sông Roòn nổi tiếng với nguồn phù sa dồi dào, nơi có sự giao thoa giữa hai dòng nước ngọt và mặn nên rất béo, thơm ngon.

Khách đến quán, mệ Mận mới bắt đầu chế biến món ăn. Trong khi mệ Mận trụng sò qua nước sôi và ngồi tách sò, ông Ngự đổ chén xì dầu ra chén, thêm mù tạt rồi đánh tan đều để làm nước chấm.

Sò huyết lên mâm được bài trí khá bắt mắt với rất nhiều loại rau, gia vị: Hành, ngò, rau quế, giá đỗ, nộm chua, tỏi cắt mỏng, gừng cắt nhỏ, đậu lạc, dứa, bắp chuối tươi, bánh tráng, chanh, ớt quả... Giữa mâm là tô sò huyết được chần 'đúng độ' qua bàn tay khéo léo của mệ Mận.

Mệ Mận cho biết “Nếu khách gọi điện đặt trước, mệ sẽ chuẩn bị sẵn, đến giờ hẹn khách đến là có ăn, không phải chờ. Sò ai đặt thì mệ để dành phần cho họ. Nếu khách đến mới gọi món thì phải chờ chế biến, nhiều lúc hết sò, khách phải về không”.

 Một mâm sò huyết cho 10 khách với đủ loại gia vị, với điểm nhấn là bát sò lẫn huyết ở chính giữa

Anh Nguyễn Đức Việt (ở Ba Đồn) rất thành thạo trong việc thưởng thức món sò huyết hướng dẫn: “Mỗi thứ rau, gia vị cho một ít cho vào chén, bánh đa bẻ vụn, rồi lấy thìa múc vài con sò có lẫn huyết đỏ lên,rưới một ít xì dầu mù tạt lên và cuối cùng là nặn thêm vài giọt chanh tươi rồi trộn đều thưởng thức”.

Sò huyết trộn với các loại gia vị đtạo nên hương vị 'có một không hai'

Khi đưa vào miệng, thực khách cảm nhận được thịt sò mát, béo béo, ngọt lịm quyện với vị chua nhẹ của nộm đu đủ, vị cay của gừng, vị chát của bắp chuối, vị nồng của mù tạt tạo nên hương vị 'có một không hai' khiến người ăn nhớ mãi.

 Sò huyết sông Roòn ngọt mát, béo ngậy và thơm ngon

Dù là người bán hàng, nhưng mệ Mận luôn quan niệm 'bán cho khách cũng như làm cho chính mình ăn'. Với ai mệ cũng chỉ bán một lượng vừa đủ ăn chứ không cho để thừa. Nhiều khi khách gọi thêm, mệ lại kiên nhẫn giải thích “ăn vừa để cảm nhận, chứ gọi nhiều để dư phí và tốn tiền”.

Nếu có cơ hội du lịch Quảng Bình, ngoài việc khám phá cảnh đẹp, du khách đừng quên nếm thử đặc sản sò huyết sông Roòn ở quán mệ Mận, món ăn ngon, lạ duy nhất nơi đây mới có.

Thanh Hà