Cho đến nay, Belarus chưa chính thức tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine. Song, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko từng thừa nhận ngay sau khi chiến sự bùng phát hồi cuối tháng 2 rằng, một số tên lửa của Nga được phóng từ Belarus sang Ukraine.
Theo hãng thông tấn DW, trong báo cáo cập nhật tình hình chiến sự ngày 7/8, Bộ Tổng tham mưu Ukraine tố cáo quân Nga đang sử dụng các công nghệ chiến tranh vô tuyến điện tử để tăng cường hoạt động trinh sát trên không ở miền đông và miền nam Ukraine, điểm nóng giao tranh giữa hai bên. Bốn tàu sân bay mang tên lửa hành trình trên biển của Nga cũng "đang sẵn sàng sử dụng vũ khí chính xác cao".
Tuy nhiên, nhà chức trách Ukraine lưu ý thêm: "Các đơn vị không quân, tên lửa và pháo binh của Ukraine tiếp tục nhắm bắn vào các địa điểm tập trung nhân lực, khí tài của quân Nga cũng như các kho chứa đạn dược của đối phương. Do tổn thất, binh lính của kẻ địch ở một số khu vực đã từ chối tham chiến và sử dụng các biện pháp phá hoại".
Phía Nga chưa lên tiếng phản hồi về các thông tin trên.
Ukraine cảnh báo Moscow không tổ chức trưng cầu dân ý sáp nhập
Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 7/8 tuyên bố, nếu Nga tiến hành tổ chức trưng cầu dân ý tại các vùng lãnh thổ Ukraine đang nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng Moscow, sẽ không thể có bất kỳ cuộc đàm phán nào giữa Moscow với Kiev hoặc các đồng minh quốc tế của quốc gia Đông Âu.
Quân đội Nga và các lực lượng ly khai Kiev đang nắm giữ nhiều dải đất lớn ở vùng miền đông Donbas và các khu vực miền nam Ukraine sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng hồi cuối tháng 2. Giới chức ở các khu vực nói trên đã đề cập đến việc tổ chức trưng cầu dân ý nhằm sáp nhập vào Nga như bán đảo Crưm năm 2014.
Theo Reuters, trong bài phát biểu đêm 7/8, ông Zelensky khẳng định Ukraine vẫn giữ nguyên lập trường "không từ bỏ thứ gì thuộc về đất nước mình".
Các quan chức Nga và Ukraine đã tổ chức nhiều vòng thương lượng ngày sau khi chiến sự bùng phát, nhưng không đạt được mấy tiến triển. Không cuộc đối thoại nào diễn ra kể từ cuối tháng 3, trong khi cả hai bên đổ lỗi cho nhau về sự bế tắc.
Ngoại trưởng Mỹ công du châu Phi
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Nam Phi để bắt đầu chuyến công du 3 nước châu Phi nhằm chống lại các ảnh hưởng của Nga ở lục địa đen. Theo báo Guardian, chuyến đi của ông Blinken diễn ra sau khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tới thăm nhiều nước châu Phi hồi tháng trước.
Cho đến nay, Nam Phi vẫn giữ quan điểm trung lập trong xung đột Nga - Ukraine, từ chối các lời kêu gọi lên án Moscow của phương Tây. Ngoại trưởng Mỹ sẽ hội đàm với người đồng cấp Nam Phi Naledi Pandor trong ngày 8/8 và dự kiến đưa ra tuyên bố về chính sách châu Phi mới của Washington. Cả hai cũng sẽ "thảo luận về những diễn biến gần đây liên quan đến tình hình địa chính trị toàn cầu", trích thông cáo của Pretoria.
Bộ ngoại giao Mỹ tháng trước đã gọi các nước châu Phi là “những quốc gia có vị trí địa chiến lược và đối tác quan trọng trong các vấn đề cấp bách nhất trong thời đại hiện nay, từ việc thúc đẩy một hệ thống quốc tế cởi mở và ổn định đến giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực và đại dịch toàn cầu cũng như định hình công nghệ và tương lai kinh tế”.
Đây là chuyến công du thứ 2 tới châu Phi của ông Biden kể từ khi được bổ nhiệm làm lãnh đạo Bộ Ngoại giao Mỹ hồi năm ngoái.
Thành phố cảng miền nam Ukraine bị pháo kích
Cơ quan phụ trách các vấn đề khẩn cấp của Ukraine hôm 7/8 công bố một đoạn video do máy bay không người lái quay về một tòa nhà đang bốc cháy ở thành phố cảng Mykolaiv, miền nam nước này. Nhà chức trách cho biết đó là hậu quả từ một cuộc tấn công của quân Nga.
Mykolaiv tiếp giáp với phần lớn vùng Kherson đang nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng Moscow. Một cơ sở y tế của thành phố này gần đây cũng bị phá hủy do đạn pháo của Nga.
Tuấn Anh