Theo Guardian, trong ngày 25/6, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã lên tiếng về kế hoạch nhằm chấm dứt xung đột Nga-Ukraine do 2 cố vấn của ông Trump tiết lộ.
"Mọi kế hoạch hòa bình mà chính quyền của ông Trump đề xuất trong tương lai cần phản ánh đúng thực tế trên tiền tuyến. Một đề xuất chỉ có giá trị nếu nó bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan. Tuy vậy, như Tổng thống Putin đã nói nhiều lần, Nga luôn sẵn sàng cho mọi cuộc đối thoại", ông Peskov cho biết.
Trong bình luận của mình, quan chức Điện Kremlin cũng trả lời về nghi vấn Serbia gián tiếp viện trợ đạn dược cho Ukraine. "Chúng tôi đã được nghe về thông tin này. Nga sẽ liên lạc với những người bạn Serbia để trao đổi cụ thể", ông Peskov nói thêm.
Trước đó, ông Keith Kellogg và ông Fred Fleitz, 2 cố vấn cấp cao của ông Trump, đã hé lộ về kế hoạch chấm dứt xung đột nếu cựu Tổng thống Mỹ chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11.
Cụ thể, kế hoạch này sẽ yêu cầu cả Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán, nhằm tiến tới một lệnh ngừng bắn dựa trên diễn biến thực tế. "Chúng tôi sẽ yêu cầu Ukraine tiến hành đàm phán, nếu không Mỹ sẽ cắt viện trợ. Chúng tôi cũng sẽ nói với Nga điều tương tự, nếu không Mỹ sẽ cung cấp thêm các loại vũ khí tầm xa cho Kiev", ông Kellogg nói.
Bên cạnh đó, ông Fleitz nói rằng kế hoạch hòa bình sẽ bao gồm các biện pháp an ninh bổ sung cho Ukraine, nhưng sẽ hoãn tiến trình gia nhập NATO. "Moscow sẽ dễ bị thuyết phục hơn nếu NATO trì hoãn kết nạp Ukraine", ông Fleitz lập luận.
Hai cố vấn của ông Trump tiết lộ, cựu Tổng thống Mỹ đã đưa ra những phản hồi tích cực với kế hoạch nêu trên. Tuy vậy, phát ngôn viên của ông Trump nhấn mạnh rằng thông tin này không được coi là một tuyên bố chính thức.
Ukraine tố Nga tăng cường sử dụng vũ khí hóa học
Theo Kyiv Independent, trong ngày 25/6, lực lượng hậu cần Ukraine đã cáo buộc Nga tăng cường sử dụng các loại vũ khí hóa học trên tiền tuyến.
"Chúng tôi đã ghi nhận 715 trường hợp sử dụng vũ khí hóa học của đối thủ trong tháng 5, nhiều hơn 271 vụ so với tháng 4. Tính từ tháng 2/2023 đến tháng 5/2024, đã có hơn 1.385 binh sĩ Ukraine phải nhập viện vì ảnh hưởng của vũ khí hóa học", phía Ukraine cho biết.
Trước đó, Kiev đã nhiều lần chỉ trích Moscow vì sử dụng chloropicrin và các loại vũ khí hóa học khác trên tiền tuyến. Chloropicrin là chất bị cấm trong khuôn khổ Công ước về Vũ khí Hóa học (CWC), có hiệu lực từ năm 1997.