ChatGPT trở thành ứng dụng phát triển nhanh nhất từ trước đến nay, được 100 triệu người dùng từ cuối tháng 2. Ngày nay, nó khả dụng với hơn 1 tỷ người thông qua tìm kiếm Bing của Microsoft, Skype và Snapchat. OpenAI dự đoán thu về hơn 1 tỷ USD hằng năm từ chatbot AI.
Có thể nói, chưa bao giờ có một công nghệ được triển khai nhanh đến như vậy, vượt qua cả web, Google hay Facebook.
Tác động của ChatGPT vượt xa ngành công nghệ, giúp nhiều người trải nghiệm tương lai được hỗ trợ bởi AI.
Dưới đây là 5 cách ChatGPT đã thay đổi thế giới sau một năm ra mắt.
An toàn AI
ChatGPT buộc các chính phủ trên khắp thế giới phải làm quen với ý tưởng AI đặt ra những thách thức đáng kể - không chỉ là thách thức kinh tế, mà còn cả những thách thức xã hội và sự tồn tại.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa Mỹ đi đầu trong các quy định về AI với sắc lệnh hành pháp thiết lập các tiêu chuẩn mới về an toàn và bảo mật AI.
Sắc lệnh muốn cải thiện công bằng và quyền công dân, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới và cạnh tranh cũng như vị thế lãnh đạo của Mỹ trong lĩnh vực AI.
Ngay sau đó, Vương quốc Anh đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh an toàn AI liên chính phủ đầu tiên tại Bletchley Park. Liên minh châu Âu (EU) phải vật lộn để điều chỉnh Đạo luật AI với các mối đe dọa tiềm ẩn do các mô hình như ChatGPT gây ra.
Nhìn chung, các nước đều đang hướng tiền bạc, thời gian và sự chú ý vào việc giải quyết vấn đề này trong khi 5 năm trước, nó hiếm khi xuất hiện trong tâm trí mọi người.
Bảo đảm việc làm
Trước khi ChatGPT ra đời, dường như giới “cổ cồn xanh” mới lo sợ robot. Tuy nhiên, ChatGPT và các công cụ AI tạo sinh khác đã thay đổi mọi thứ.
Giới “cổ cồn trắng” như nhà thiết kế đồ họa, luật sư… giờ đây cũng bắt đầu lo lắng cho công việc của họ. Một nghiên cứu gần đây về thị trường việc làm trực tuyến cho thấy thu nhập cho các công việc viết lách và biên tập đã giảm hơn 10% kể từ khi ChatGPT ra mắt.
Việc AI có hủy diệt nhiều việc làm hay không còn là điều chưa chắc chắn. Dù vậy, một điều rõ ràng là AI sẽ tạo ra đột phá lớn trong cách chúng ta làm việc.
Cái chết của bài luận
Ngành giáo dục phản ứng tương đối thù địch với ChatGPT khi nhiều trường học và tổ chức ban hành lệnh cấm sử dụng chatbot. Nếu ChatGPT có thể viết bài luận, điều gì sẽ xảy ra với bài tập về nhà?
Học sinh được yêu cầu viết bài luận vì nó đòi hỏi kỹ năng nghiên cứu, cải thiện kỹ năng giao tiếp, tư duy phản biện và kiến thức về lĩnh vực.
Bất kể ChatGPT cung cấp điều gì, những kỹ năng này vẫn sẽ cần thiết, ngay cả khi chúng ta dành ít thời gian hơn để phát triển chúng.
Không chỉ học sinh gian lận với AI. Đầu năm nay, một thẩm phán Mỹ đã phạt hai luật sư và một công ty luật 5.000 USD vì dùng ChatGPT viết hồ sơ tòa án, bao gồm các trích dẫn pháp lý bịa đặt.
Vấn đề sẽ ngày một chồng chất. Giáo dục là một lĩnh vực mà AI có nhiều thứ để cung cấp. Ví dụ, các mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT có thể được tinh chỉnh thành các gia sư xuất sắc.
Các hệ thống dạy kèm thông minh có thể kiên nhẫn vô hạn khi tạo ra các câu hỏi ôn tập chính xác.
Hỗn loạn bản quyền
Các tác giả trên khắp thế giới bày tỏ phẫn nộ khi phát hiện ra nhiều mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT được đào tạo trên hàng trăm nghìn cuốn sách, được tải xuống từ web mà không có sự đồng ý của họ.
Lý do các mô hình AI có thể trò chuyện trôi chảy về mọi thứ là vì chúng được đào tạo dựa trên những cuốn sách về mọi chủ đề. Nhiều vụ kiện tập thể đang diễn ra ở Mỹ để xác định xem đây có phải là vi phạm luật bản quyền hay không.
Người dùng ChatGPT thậm chí đã chỉ ra những trường hợp mà trong đó chatbot tạo ra toàn bộ đoạn văn bản lấy từ sách có bản quyền.
Thông tin sai sự thật và xuyên tạc
Trong ngắn hạn, một thách thức khiến nhiều người lo lắng nhất là việc sử dụng các công cụ AI như ChatGPT để tạo ra thông tin sai lệch và tin xuyên tạc.
Mối lo ngại này không dừng ở văn bản mà còn cả âm thanh, video deepfake không thể phân biệt với bản gốc. Một ngân hàng đã bị cướp do giọng nói nhân bản AI tạo ra.
Các cuộc bầu cử hiện có vẻ bị đe dọa vì video deepfake. Các nhà bình luận cho rằng nội dung giả mạo như vậy có thể có tác động đáng kể đến kết quả bầu cử.
Theo tờ The Economist, hơn 4 tỷ cử tri sẽ đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử khác nhau vào năm 2024. Điều gì xảy ra trong các cuộc bầu cử khi chúng ta kết hợp phạm vi tiếp cận của phương tiện truyền thông xã hội với sức mạnh và sự thuyết phục của nội dung giả mạo do AI tạo ra?
Liệu nó có giải phóng một làn sóng thông tin sai lệch và xuyên tạc vào các nền dân chủ của chúng ta?
(Theo The Conversation)