Một người phụ nữ Hàn Quốc đã tự tử sau khi phát hiện ra cô đã bị quay lén ở một phòng thay đồ trong bệnh viện, giữa bối cảnh xã hội đang báo động về vấn nạn quay lén đang hoành hành đất nước này.

Người phụ nữ, được truyền thông địa phương gọi là “A”, được tìm thấy khi đã tử vong tại nhà riêng ở miền tây nam Hàn Quốc vào tuần trước. Gia đình cho biết cô đã trải qua “các cơn ác mộng và sang chấn tâm lý” sau khi phát hiện ra mình đã bị quay phim ở bệnh viện mà không hề hay biết.

Một thông cáo từ gia đình cho biết cô đã đưa ra một “lựa chọn cực đoan”.

Một bác sĩ chuyên về bệnh học lâm sàng ở chính bệnh viện này vừa bị bắt giữ vào hồi tháng 8, với cáo buộc quay lén các đồng nghiệp nữ ở phòng thay đồ của nhân viên bệnh viện. Cảnh sát cho biết tên này đã đục một lỗ hổng trên tường phòng thay đồ để quay lén bốn nạn nhân. Họ đang điều tra mối liên hệ giữa các cáo buộc đối với bác sĩ này và cái chết của người phụ nữ.

Nữ nạn nhân này là một trong số hàng ngàn nạn nhân của “bệnh dịch” thường được gọi là “molka”, khi phụ nữ bị quay lén và các đoạn phim được đăng tải lên các website thuờng được đàn ông trả phí để truy cập.

{keywords}
Người Hàn Quốc ra đường biểu tình chống lại 'đại dịch' quay lén molka

Năm 2017, có 6.400 vụ quay lén được báo cáo với cảnh sát Hàn Quốc, tăng lên từ con số chỉ 2.400 vào năm 2012.

Vào đầu năm nay, hai người đàn ông đã bị bắt giữ vì đã bí mật quay phim 1.600 người ở 30 khách sạn khác nhau nằm ở khắp 10 thành phố tại Hàn Quốc. Các đoạn phim này sau đó đã được đăng tải lên một trang web yêu cầu trả phí cho thuê bao truy cập.

Bà Na-Young Lee, một giáo sư xã hội học ở Đại học Chung-Ang tại Seoul, cho biết phụ nữ Hàn Quốc đang ngày càng lo ngại về đại dịch molka.

“Có máy quay ở khắp nơi – từ nhà vệ sinh đến nhà nghỉ, các căn nhà khi bạn sống một mình, đến trường học... và những hình ảnh này được phát tán trên các trang phim nóng mà bạn không hay biết”, bà Lee cho biết. “Chúng được xào trộn với các hình ảnh lộ liễu khác để trở thành những đoạn phim tình dục, và lại được phát tán một lần nữa”.

Cơn khủng hoảng molka đã làm dậy lên làn sóng biểu tình rộng rãi ở Hàn Quốc. Hồi tháng 8 năm ngoái, 70.000 người đã đổ ra đường tuần hành ở Seoul với những tấm biểu ngữ ghi dòng chữ: “Cuộc đời tôi không phải là phim nóng của các người”.

Bà Lee cũng cho biết nhiều phụ nữ cảm thấy cảnh sát và các công tố viên không có thái độ đủ nghiêm túc về các trường hợp của họ.

“Kể cả khi họ có báo cảnh sát, cảnh sát vẫn sẽ bỏ qua và những người đàn ông này sớm được phóng thích”, bà nói. “Phụ nữ khẳng định rằng việc điều tra và tuyên án là có thiên vị và không công bằng”.

Bà Lee lấy ví dụ về một vụ án vào năm ngoái, khi mà một nữ người mẫu đã bị tuyên án 10 tháng tù vị tội quay lén một nam đồng nghiệp và đăng ảnh của anh này lên mạng. Trong khi đó, trong một vụ án tương tự khi mà giới tính của bị cáo và nạn nhân đảo ngược, người đàn ông chỉ bị phạt 2 triệu won (khoảng 38 triệu đồng).

“Hiện tượng quay lén là rất đáng lo ngại, nhưng thái độ của cảnh sát, viện kiểm sát và các thẩm phán xử lý các vụ án này cũng là một vấn đề rất lớn”.

Anh Thư