Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã nói với tâm thế đầy tích cực khi được hỏi về tình hình thu hút vốn FDI vào Việt Nam tại cuộc họp báo Chính phủ cuối tuần trước.
Những điểm sáng của bức tranh kinh tế
Có lẽ, nhờ những kết quả của hoạt động ngoại giao chưa từng có trong năm ngoái, nên luồng vốn FDI tiếp tục xu hướng rất tích cực.
Tính đến cuối tháng Hai, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023; vốn FDI thực hiện tăng 9,8% so với cùng kỳ.
Trong số đó, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới, chiếm hơn 32%; Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn.
Tính lũy kế đến nay, cả nước có 39.553 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 473 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện ước đạt gần 300 tỷ USD, bằng gần 63,4% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Bên cạnh đó, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam đã vươn lên 50,4 điểm trong tháng Hai từ 50,3 điểm trong tháng 1/2022, cho thấy ngành sản xuất có dấu hiệu phục hồi. Đáng lưu ý, chỉ số này đã liên tục thấp hơn 50 trong 4 tháng cuối năm ngoái, thể hiện số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy vậy, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 02/2024 ước tính giảm 18% so với tháng trước và giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số IIP tháng Hai so với tháng trước của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn giảm mạnh: Vĩnh Long giảm 27,2%; Hải Dương giảm 25,5%; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 24,3%; Bình Dương giảm 24,1%; Hà Nội giảm 20,3%; Đồng Nai giảm 19,6%; Trà Vinh giảm 17,5%; Long An giảm 13,7%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 11,7%.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 59,34 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước.
Một số vùng xám cần chú ý
Trong khi luồng vốn FDI tăng rất cao, tình hình của doanh nghiệp trong nước lại rất đáng báo động.
Trong 2 tháng năm 2024 có 62.977 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2023. Con số rút lui cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 41.097 doanh nghiệp.
Doanh nghiệp thành lập mới đa phần có quy mô nhỏ từ 0 - 10 tỷ đồng với 20.308 doanh nghiệp, chiếm gần 92%.
Điều lưu ý tháng 2 là dịp Tết, nên số làm thủ tục giải thể và tạm dừng kinh doanh thường thấp hơn số thực tế.
Trong khi đó, về xuất khẩu, khu vực kinh tế trong nước đạt 16,14 tỷ USD, tăng 33,3%, chiếm 27,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 43,2 tỷ USD, tăng 14,7%, chiếm 72,8%. Điều này có nghĩa, khu vực FDI vẫn đang chiếm gần ¾ miếng bánh xuất khẩu.
Giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN đạt khoảng 60 nghìn tỷ đồng, đạt 9,13% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2023 là 6,97%. Vẫn còn tới 29 bộ, cơ quan trung ương chưa thực hiện giải ngân kế hoạch năm 2024.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, cùng kỳ năm ngoái tăng 14,7%); nếu loại trừ yếu tố giá, chỉ tăng 5% (cùng kỳ tăng 10,9%).
Điều lưu ý là mấy năm gần đây, tăng trưởng tiêu dùng là nhân tố quyết định và đóng góp phần lớn vào tăng trưởng; và tăng trưởng 2 tháng đầu năm nay chỉ bằng hơn ½ so với đầu năm 2023.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2024 tăng 1,04% so với tháng trước; tăng 1,35% so với tháng 12/2023 và tăng 3,98% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân 2 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,67% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,84%.
Như vậy, lạm phát có dấu hiệu gia tăng. Điều này có thể ảnh hưởng bất lợi đến giảm lãi suất và đẩy nhanh việc tăng tín dụng. Ngoài ra, tỷ giá đô la đang cao là kết quả của giảm lãi suất; người dân không gửi tiền tiết kiệm, thay vào đó, mua đô và vàng để tích trữ. Như vậy, nỗ lực giảm lãi suất huy động và cho vay có thể gặp thách thức, thậm chí lại phải tăng lên.
Tín dụng tăng âm 1 % so với cuối năm 2023. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung nhận xét: “Điều đó cho thấy nhu cầu về vốn của nền kinh tế còn rất yếu; sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn”.
Tóm lại, trong hai tháng đầu năm có những điểm tích cực đã xuất hiện rõ hơn nhưng những điểm không tích cực cũng trở nên phức tạp hơn, hay nói cách khác, những động lực cho tăng trưởng cũng như động lực thay đổi vẫn còn yếu.
Như vậy, khó khăn vẫn nhiều hơn thuận lợi, nên cần chú ý khắc phục các điểm yếu và củng cố các điểm tích cực để nền kinh tế vận hành tốt hơn.
Tư Giang