Nhiều phụ huynh tại TP.HCM phản ánh việc khó khăn khi tìm mua thuốc nhỏ mắt dù người mắc bệnh đau mắt đỏ ngày càng tăng. Một số cửa hàng thuốc cũng xác nhận tình trạng khan hiếm hàng.
Đi 3 cửa hàng mới mua được thuốc nhỏ mắt
Nhiều ngày qua, cuộc sống của gia đình chị Trần Thị Thảo (32 tuổi, TP.HCM) gần như đảo lộn vì 3 trong 4 thành viên bị đau mắt đỏ. Hai con nghỉ học, chị Thảo nghỉ làm, chỉ mỗi người chồng chưa lây bệnh.
Chị Thảo cho biết người đầu tiên bị đau mắt đỏ là con trai 2 tuổi vì lây trên lớp học. Sau đó, chị Thảo và con trai lớn cũng đau nhức mắt, đổ ghèn rất nhiều.
“Sáng nay tỉnh dậy tôi không mở được một bên mắt, biết ngay mình đã dính dịch. May là hôm bé nhỏ bị đau thì tôi đã mua sẵn thuốc nhỏ mắt. Chồng tôi bây giờ phải rất cẩn thận khi sinh hoạt, ăn uống vì sợ bị lây", chị Thảo kể.
Để mua 3 lọ thuốc nhỏ mắt giá 45.000 đồng/lọ, người phụ nữ này phải tìm ở 3 cửa hàng thuốc. Giống như chị Thảo, không ít người lo lắng khi ngày càng nhiều học sinh ở TP.HCM bị đau mắt đỏ, nên mua sẵn vài lọ để dành.
Còn anh N.T.B (TP Thủ Đức, TP.HCM) kể khi anh vừa đến cửa hàng hỏi mua thuốc nhỏ mắt đã nghe người ta nói thuốc đang “cháy hàng”, nhất là loại "xịn" có giá từ 35.000-50.000 đồng. Người bán giải thích khu chung cư mà anh đang sống có rất nhiều trẻ nhỏ mắc bệnh mà thuốc không về kịp.
Chị T.V (TP.HCM), chủ một hiệu thuốc tây ở TP Thủ Đức, xác nhận tình trạng “cháy hàng” với một số loại thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh tobramycyn. Trong khi đó, nước muối sinh lý chủ yếu được mua để rửa mắt và phòng bệnh.
“Không riêng cửa hàng nhỏ như của tôi mà chuỗi nhà thuốc lớn cũng không còn hàng hoặc không về kịp. Đợt này rất nhiều người bị đau mắt đỏ”, chị V. nói.
Nguy cơ biến chứng nặng khi tự điều trị
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Dương Hoàng Đông, Khoa Mắt, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM), việc người dân tự ý điều trị, tự mua kháng sinh nhỏ mắt có thể vô tình khiến bệnh đau mắt đỏ nặng hơn và gặp biến chứng.
Bác sĩ Đông cho hay 80% bệnh nhân viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ) đợt này là do virus adeno hoặc entero gây nên, trong khi thuốc kháng sinh nhỏ mắt có tác dụng với vi trùng.
Đây không phải thuốc điều trị chính yếu với đau mắt đỏ mà thường dùng trong trường hợp có bội nhiễm. Ngoài ra, trẻ nhỏ bị đau mắt đỏ thường dụi mắt nhiều, dính bụi bẩn và gây bội nhiễm vi trùng nên bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh nhỏ mắt để đề phòng tình trạng trên.
“Không phải cứ đỏ mắt nghĩa là bị bệnh đau mắt đỏ, phụ huynh đừng tự ý kết luận. Người bệnh phải đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và kê toa thuốc, đánh giá nguy cơ biến chứng. Điều trị chính gốc của viêm kết mạc lây lan thành dịch không phải là kháng sinh mà là điều trị triệu chứng”, bác sĩ nói.
Bác sĩ Dương Hoàng Đông lo ngại việc người dân tự kết luận và tự chữa bệnh đau mắt đỏ. Ảnh: GL.
Cũng theo bác sĩ Đông, mặc dù đau mắt đỏ là bệnh lành tính nhưng vẫn có nguy cơ biến chứng như gây sẹo, dính mi, khô mắt, bội nhiễm, giảm thị lực, mờ mắt.
Hiện mỗi ngày, Khoa Mắt của Bệnh viện Lê Văn Thịnh tiếp nhận khoảng 200 lượt khám ngoại trú, 60% trong đó là đau mắt đỏ, tăng đột biến so với bình thường. Đáng nói, nhiều trường hợp đến khám trong tình trạng bị xung huyết ở mắt, một số ca biến chứng lên giác mạc.
"Người bệnh nói đã tự mua thuốc nhỏ mắt nhiều ngày mà không đỡ, có người lại đắp lá hoặc đắp nha đam mà không hiệu quả nên mới đi khám bệnh", bác sĩ Đông nói.
Các bác sĩ cũng bày tỏ lo ngại về việc người bệnh sử dụng loại thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid mà không theo chỉ định và không được dược sĩ tư vấn.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, người bị đau mắt đỏ nên mang mắt kính và khẩu trang từ 5-7 ngày.
Cần chú ý khi vệ sinh mắt: sử dụng bông gòn sạch nhúng nước ấm lau mắt, lau một lần duy nhất và bỏ miếng bông đi; không dùng khăn dặm đi dặm lại vì không sạch lại dễ gây bội nhiễm. Trước và sau khi vệ sinh mắt đều phải rửa tay sạch sẽ.
"Khi bắt đầu mắc bệnh thì nên vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý. Khi ghèn đục nhiều hơn, bác sĩ có thể chỉ định nhỏ kháng sinh, tuy nhiên không cần săn tìm loại thuốc xịn", bác sĩ Khanh chia sẻ.
Theo các bác sĩ, trường hợp người bệnh đau mắt đỏ có viêm hầu họng, khi ho sẽ làm văng giọt bắn và lây nhiễm cho người khác. Ngoài ra, người bệnh dụi mắt rồi cầm vào tay nắm cửa, bàn phím... khi người khác chạm vào bề mặt những vật trên rồi chùi lên mắt sẽ bị lây bệnh, vì trong nước mắt chứa siêu vi.
Do đó, cách phòng ngừa đau mắt đỏ quan trọng nhất là rửa tay và khử khuẩn bề mặt.
Trước đó, Sở Y tế TP.HCM công bố tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn là virus entero và adeno, trong đó virus entero là chủ yếu. Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt.
Bệnh thường khởi phát đột ngột, từ một mắt rồi lan sang mắt còn lại. Đến nay, chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.
Cách phòng ngừa đau mắt đỏ
1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch.
2. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng.
3. Không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
4. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.
5. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.
6. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.
7. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác.
8. Người có dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của nhân viên y tế để tránh biến chứng nặng.