Tại Bàn tròn "Giải pháp để sớm ổn định hoạt động đăng kiểm", ông Nguyễn Tô An cho biết đang nghiên cứu xem xét kéo dài chu kỳ đăng kiểm với một số loại phương tiện.
Mời bạn đọc theo dõi Phần 2 bàn tròn:
Nhà báo Phạm Huyền: Mới đây, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ một loạt giải pháp cấp bách trong lĩnh vực đăng kiểm, trong đó có đề xuất miễn kiểm định lần đầu đối với xe mới.
Đây là điều chỉnh tích cực . Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng thời gian kiểm định hiện đang áp dụng quá dày. Hầu hết mong muốn Bộ GTVT nên tính toán lại thời hạn đăng kiểm phù hợp với thực tế sử dụng của từng loại xe.
Quan điểm của Cục Đăng kiểm VN về vấn đề này thế nào, thưa ông Nguyễn Tô An?
Ông Nguyễn Tô An: Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm VN nghiên cứu thời hạn chu kỳ kiểm định phù hợp, hợp lý với đặc thù cũng như thực tiễn của Việt Nam.
Đây cũng là vấn đề thời gian qua độc giả rất quan tâm. Về phía cơ quan quản lý chúng tôi cũng đã xúc tiến tìm hiểu, nghiên cứu vấn đề này từ trước.
Trong đó, tập trung những vấn đề thực tiễn của Việt Nam từ nhu cầu sử dụng, điều kiện môi trường, khí hậu đến tình trạng bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa….của các phương tiện. Ngoài ra, cũng lưu ý đến việc duy trì kỹ thuật của phương tiện giữa hai chu kỳ kiểm định.
Chúng tôi căn cứ vào những yếu tố trên để đưa ra thời gian chu kỳ kiểm định phù hợp nhất có thể. Thời điểm này, chúng tôi chưa đưa ra phương án cụ thể cuối cùng.
Tất nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng sớm có kết quả để đưa ra thời gian kiểm định phù hợp, hợp lý nhưng vẫn phải đảm bảo được mục tiêu số 1 là an toàn.
Nhà báo Phạm Huyền: Một độc giả đã gửi ý kiến tới toà soạn cho rằng: “Dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 16, năm 2021 của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, ngoài việc bỏ việc kiểm định xe mới như mọi quốc gia trên thế giới đều làm thì chu kỳ kiểm định vẫn thế, thậm chí để cả ngưỡng 3 tháng cho xe trên 15 năm.
Hai là quy trình kiểm định vẫn còn rất nhiều công đoạn phụ thuộc đánh giá cảm tính của đăng kiểm viên và không có quy định cụ thể cho việc kiểm định khi hoán cải xe tai nạn; tức là không có gì thay đổi với đại đa số chủ phương tiện đang sử dụng xe cả. Vậy chúng ta có nên sửa đổi một cách vội vàng như thế hay không?”
Hai ông có phản hồi gì về ý kiến này?
Ông Nguyễn Tô An: Bản thân dự thảo lần này đưa ra để kịp thời hướng dẫn, để áp dụng cho việc miễn kiểm định lần đầu. Mục tiêu chính là như vậy nhằm sớm phục vụ cho nhu cầu của người dân và xã hội.
Về chu kỳ kiểm định thì như vừa rồi tôi trình bày khi chưa đưa ra phương án, quyết định cuối cùng, thì chúng tôi chưa được phép công bố.
Và chúng tôi cũng hứa rằng trong thời gian sớm nhất có thể, trước khi ban hành phải hoàn thành những kết quả nghiên cứu, đánh giá để có thể đưa ra các đối tượng được kéo dài thời hạn kiểm định. Cụ thể ở đây ví dụ như đối với với xe ô tô chở người 9 chỗ mà đông đảo người dân rất quan tâm.
Đối với các phương tiện sử dụng trên 15 năm hiện giờ đang bị áp chu kỳ kiểm định với thời gian 3 tháng. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu, phân tích để trả lời câu hỏi: với những loại phương tiện nào thì ta có thể kéo dài thời gian trung kiểm định lên, ví dụ được 6 tháng.
Và vẫn có những trường hợp phương tiện phải giữ nguyên ba tháng vì vấn đề đảm bảo an toàn cho con người.
Khẳng định với độc giả là chúng tôi đã và đang làm và cũng đã có kết quả. Nhưng chúng tôi phải rà soát rồi khẳng định chắc chắn thì mới công bố được.
Nhà báo Phạm Huyền: Vâng, vậy ông Nguyễn Văn Quyền có đề xuất cụ thể về vấn đề này ?
Ông Nguyễn Văn Quyền: Có hai điểm chúng tôi muốn tham gia.
Thứ nhất, chúng tôi hoàn toàn nhất trí với chủ trương miễn kiểm định lần đầu.
Thứ hai, đối với xe khách và xe vận tải hàng hóa thì có lẽ không thể miễn hoàn toàn được. Lý do là hiện nay một số xe khách, xe vận tải hàng hoá doanh nghiệp mua xe mới sau đó gắn thêm những thiết bị trên xe như: hệ thống âm thanh, có xe gắn thêm tủ lạnh, có xe ngăn thêm các phòng trên xe, lắp thêm các ổ cắm trên thành xe, rồi lắp thêm thiết bị giám sát hành trình, camera... Những thiết bị này cũng tiềm ẩn các nguy cơ cháy nổ nếu như việc lắp đặt không đúng, không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.
Đây là lý do mà trong văn bản Hiệp hội vận tải ô tô VN góp ý dự thảo Thông tư 16 gửi Bộ GTVT chúng tôi cho rằng nhóm phương tiện này chỉ miễn kiểm định trên dây chuyền nhưng vẫn phải kiểm tra những vấn đề trên. Điều này nhằm đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ của xe kinh doanh vận tải nói chung, xe khách nói riêng.
Nhà báo Phạm Huyền: Vừa rồi hai vị khách mời đã đưa ra những ý kiến cụ thể về việc sửa đổi Thông tư 16. Nhìn một cách tổng quát thì đâu là giải pháp lâu dài, toàn diện, khoa học và thực tế nhằm “giải cứu” cho lĩnh vực đăng kiểm.
Ông Nguyễn Tô An: Như quý vị đã biết để xảy ra những sự việc trong thời gian vừa qua do còn tồn tại những bất cập. Từ yếu tố con người cho đến các quy định.
Sắp tới, hệ thống đăng kiểm sẽ có những thay đổi rất lớn từ cơ cấu, mô hình tổ chức cho đến một loạt các văn bản của pháp luật sẽ được tiến hành bổ sung, sửa đổi, thậm chí là thay thế.
Ví dụ như NĐ 139 quy định về điều kiện kinh doanh đối với lĩnh vực kiểm định xe thế giới; các quy định về đăng kiểm viên, về tuyển dụng, về đào tạo, về thực hành thực tập; số lượng đăng kiểm viên trên mỗi dây chuyền…cũng sẽ được sửa đổi. Nhưng chúng tôi vẫn phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, đảm bảo các phương tiện khi được kiểm định là đúng đắn.
Song song đó, chúng tôi cũng tiếp thu những kiến nghị, học hỏi những mô hình tiên tiến trên thế giới để phục vụ cho việc này. Ví dụ như chúng tôi cũng nghiên cứu, đề xuất việc đưa các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng 3S, 4S của các nhà sản xuất chính hãng đủ điều kiện tham gia đăng kiểm.
Đây là những mô hình đã được áp dụng ở những nước tiên tiến trên thế giới như Anh, Pháp, Đức, Áo, Châu Âu và nhiều quốc gia với mục tiêu để người dân được thụ hưởng một cách tốt nhất.
Nhà báo Phạm Huyền: Về phía ông Nguyễn Văn Quyền, ông có khuyến nghị như thế nào cho lĩnh vực đăng kiểm trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Văn Quyền: Tôi cho rằng ngoài quản lý của Cục đăng kiểm hiện nay thì phải nâng cao cái vai trò quản lý Nhà nước của Sở GTVT các địa phương. Cụ thể, cần phát huy vai trò hơn nữa của lực lượng thanh tra nhà nước, thanh tra chuyên ngành GTVT các tỉnh, thành.
Hay như cần sát sao để giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tiếp nhận dư luận xã hội, các cái ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân các địa phương …
Tôi đề nghị cần bổ sung trách nhiệm, vai trò của quản lý Nhà nước trên địa bàn của Sở GTVT các địa phương trong Nghị định Chính phủ. Điều này nhằm ngăn ngừa buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng như vừa qua.
Cuối cùng, tôi đề nghị phải nghiên cứu thêm về nội hàm của việc cải tạo xe và quy trình quản lý làm sao cho chặt chẽ, công khai minh bạch hơn.
Ban Thời sự (thực hiện)