Cụ thể, Bộ GTVT kiến nghị cho phép áp dụng mỗi đơn vị đăng kiểm bố trí 1 đăng kiểm viên bậc cao, mỗi dây chuyền kiểm định phải bố trí đăng kiểm viên có đủ năng lực thực hiện được đầy đủ các công đoạn kiểm tra.
Quy định hiện hành, mỗi dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 3 đăng kiểm viên, trong đó có ít nhất một đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao.
Việc áp dụng quy định mới này sẽ sử dụng, khai thác tối đa được năng lực của các đơn vị đăng kiểm mà vẫn đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng kiến nghị không áp dụng quy định khống chế số lượng xe được cấp giấy chứng nhận kiểm định trong ngày (tính trong 8 giờ làm việc) như hiện nay.
Theo đó quy định hiện hành nêu rõ: Một đăng kiểm viên kiểm tra một xe trên dây chuyền kiểm định thì số lượng xe không quá 20 xe; nhiều đăng kiểm viên cùng kiểm tra một xe trên dây chuyền kiểm định thì số lượng xe không quá 20 lần số lượng đăng kiểm viên; không quá 90 xe đối với một dây chuyền kiểm định loại I, không quá 70 xe đối với một dây chuyền kiểm định loại II.
Đồng thời, kiến nghị cho phép các đơn vị đăng kiểm đã bị tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới từ 1 tháng hoặc 3 tháng được hoạt động trở lại nếu đã đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực.
Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ cho phép sử dụng lực lượng cán bộ kiểm định (đã được Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cấp chứng chỉ nghiệp vụ và được sử dụng như đăng kiểm viên xe cơ giới), cơ sở vật chất của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tham gia công tác kiểm định xe cơ giới tại các trung tâm đăng kiểm dân sự trong trường hợp cấp bách.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ cho phép các xe quá hạn đăng kiểm trong vòng 15 ngày được phép di chuyển đến các đơn vị đăng kiểm để thực hiện kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định. Các xe này không được chở người, hàng hóa, kinh doanh vận tải...