Không chỉ các ngân hàng thương mại mà các cửa hàng nhỏ lẻ cũng yêu cầu thực hiện kê khai thông tin khách hàng khi mua, bán vàng.
“Tuần trước, tôi mua 1 chỉ vàng nhẫn tại cửa hàng vàng Bảo Tín trên đường Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội), chủ cửa hàng yêu cầu xuất trình căn cước công dân. Tôi thấy không được thoải mái vì nghĩ rằng, yêu cầu này chỉ nên thực hiện với khách hàng mua bán số lượng lớn", anh An, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, kể.
Thế nhưng sáng đầu tuần này, khi đến một cửa hàng khác, anh An cũng được nhân viên cửa hàng yêu cầu xuất trình căn cước công dân gắn chip và số điện thoại cá nhân. "Hỏi kỹ thì cửa hiệu cho biết đây là quy định mới", anh nói.
Nhân viên cửa hàng vàng của Bảo Tín trên đường Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, dù mua ít hay nhiều thì khách vẫn phải xuất trình CCCD và cung cấp số điện thoại. Quy định này có từ tháng 5 và "đã được thông báo trên tivi".
Trao đổi với VietNamNet, đại diện của một số cửa hàng vàng nói rằng, việc thu thập thông tin khách hàng là để thực hiện quy định phòng chống rửa tiền của cơ quan chức năng.
Ghi nhận thực tế cho thấy, hiện trên thị trường vàng, không chỉ với sản phẩm vàng miếng SJC mà mua nhẫn tròn trơn, nhẫn vàng rồng Thăng Long, khách hàng cũng được yêu cầu cung cấp số điện thoại và số căn cước công dân.
"Chúng tôi yêu cầu khách hàng cung cấp số điện thoại và xuất trình căn cước công dân khi mua vàng, bất kể khách mua với số lượng nhiều hay ít, cả mua vàng nhẫn tròn trơn", đại diện một cửa hàng cho hay.
Tuỳ từng cửa hàng, số căn cước công dân của khách sẽ được in trên hoá đơn mua hàng hoặc được cửa hàng lưu trên hệ thống.
Để có thêm thông tn, phóng viên đã liên hệ với đại diện của Tập đoàn Doji và Bảo Tín Minh Châu nhưng cả hai bên đều từ chối trả lời.
Vẫn khó mua vàng ở phố vàng
Trên thị trường, giá vàng nhẫn đang tăng nhanh. Nhẫn tròn trơn thuộc hệ thống các cửa hàng vàng Bảo Tín ngày 2/8 là 7,7 triệu đồng/chỉ, trong khi giá vàng nhẫn thương hiệu Vàng rồng Thăng Long được các cửa hàng thuộc hệ thống Bảo Tín niêm yết là 7,763 triệu đồng/chỉ. Nhưng nhiều khách hàng cho biết không thể mua được vàng nhẫn trong những ngày này.
Chị Hòa (Hà Nội) cho biết, trong ngày 31/7 vừa qua, chị không thể mua được vàng do cửa hàng báo “đã hết hàng”. “Tôi cần mua hai chỉ vàng nhẫn để trả nợ nhưng đến Bảo Tín Minh Châu thì được thông báo hết vàng, trong khi chủ nợ yêu cầu phải trả đúng vàng mang thương hiệu này, giờ không biết tìm mua ở đâu”, chị Hòa nói.
Việc các cửa hàng vàng bất ngờ ngừng bán vàng nhẫn khiến cho không ít người đứng ngồi không yên vì họ có nhu cầu cần thiết, mua trả nợ, hoặc tặng con cháu nhân dịp cưới xin.
Chị V.T.N (Hà Nội) kể, ngày 30/7, chị đi mua vàng nhẫn để làm quà cưới cho cháu mà giật mình, không nghĩ rằng việc mua vàng nhẫn lại khó như vậy. “Vào cửa hàng Bảo Tín Minh Châu trên đường Trần Nhân Tông thì được cửa hàng hẹn đến chiều cùng ngày sẽ giao hàng. Đến chiều quay lại thì lại được hẹn sang sáng hôm sau”, chị V.T.N cho hay.
Vì cần mua sớm, chị V.T.N tiếp tục sang cửa hàng của Tập đoàn Phú Quý cũng trên “phố vàng” Trần Nhân Tông. Tại đây, chị được yêu cầu nộp tiền trước và phải chờ…. 10 ngày sau mới giao vàng.
“Mua vàng nhẫn để làm quà cưới mà cứ như thời bao cấp thế này thì khổ quá”, chị V.T.N không giấu nổi vẻ thất vọng.
Theo quan sát của VietNamNet, hiện tượng “găm” giữ vàng không bán ra chỉ diễn ra với các cửa hàng trên phố, trong khi các cửa hàng vàng, kể cả của các thương hiệu lớn, ở ngoại thành Hà Nội vẫn luôn có sẵn vàng để bán.
Liên quan đến vấn đề kê khai thông tin khi mua vàng, mới đây, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, hàng ngày, cơ quan này sẽ thu thập thông tin người mua - bán vàng miếng và chuyển cho công an nhằm phát hiện nghi vấn đầu cơ. Thông tin của người mua - bán vàng miếng được thu thập thông qua tổ công tác đảm bảo an ninh thị trường vàng, do UBND TP.HCM vừa thành lập.
Theo đó, tổ công tác sẽ thu thập, phân tích thông tin tình hình mua - bán, cũng như thanh - kiểm tra các cơ sở kinh doanh vàng miếng và sản xuất, mua bán trang sức.
Đại diện Công an TP.HCM làm tổ trưởng, phối hợp các cơ quan liên quan để phát hiện, xử lý các nghi vấn buôn lậu, đầu cơ, trục lợi, gây bất ổn thị trường vàng.
Tổ phó là đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, có nhiệm vụ thu thập và chuyển giao cho công an thông tin các cá nhân mua vàng tại các điểm bán vàng miếng của SJC và 4 ngân hàng thương mại trên địa bàn.
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cũng sẽ nghiên cứu các giải pháp, chỉ đạo 4 ngân hàng thương mại (Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV) và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) phát hiện các cá nhân nghi vấn được thuê mua, thu gom vàng, cung cấp thông tin kịp thời cho lực lượng công an.
Tổ công tác còn có các thành viên đại diện của Cục Phòng, chống rửa tiền với nhiệm vụ xác minh nguồn tiền mua vàng; Cục Quản lý thị trường kiểm tra các cơ sở kinh doanh, xử lý vi phạm và trao đổi thông tin với ngành công an; Cục Thuế sẽ theo dõi dấu hiệu trốn thuế và buôn lậu vàng.
Trước đó, ngay từ khi thực hiện bán vàng miếng trực tiếp cho người dân từ đầu tháng 6/2024, các ngân hàng thương mại nhà nước yêu cầu người mua vàng miếng SJC kê khai đầy đủ thông tin về giấy tờ tuỳ thân.
Đặc biệt, các giao dịch lớn trên 400 triệu đồng phải bổ sung thông tin thu nhập, chức danh của người mua... để phục vụ công tác thanh tra về phòng chống rửa tiền, truy vết dòng tiền...
Khoản 1, 2 của Điều 25 Luật Phòng chống rửa tiền 2022 quy định: 1. Đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi thực hiện các giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo. 2. Thủ tướng Chính phủ quyết định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
Còn Điều 3 Quyết định 11/2023/QĐ-TTg quy định: “Mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là từ 400.000.000 đồng (bốn trăm triệu đồng) trở lên”.