Sáng 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dự thảo luật gồm 8 chương, 156 điều, đã bám vào mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 7 nhóm chính sách.

Công khai thông tin một cách toàn diện

Trong đó, dự thảo bổ sung nội dung, nguyên tắc khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm ứng dụng CNTT trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; yêu cầu về ứng dụng CNTT trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đối tượng và hình thức cung cấp dịch vụ bảo hiểm trên môi trường mạng. 

Đáng lưu ý, dự thảo luật sửa đổi này bổ sung yêu cầu “công khai thông tin một cách toàn diện”, bao gồm thông tin định tính và định lượng theo định kỳ, thường xuyên, bất thường nhằm tăng cường tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh của thị trường. 

{keywords}
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc

Ngoài ra, dự luật còn bổ sung quy định Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan quản lý bảo hiểm nước ngoài trong việc phối hợp quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các chi nhánh của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam. Cùng với đó, thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin quản lý, giám sát cùng với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Báo cáo thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban này tán thành với sự cần thiết sửa đổi, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành. 

Tuy nhiên,Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý về một số quy định có liên quan tới nhiều luật khác cần tiếp tục rà soát kỹ, đối chiếu, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung cụ thể hơn các quy định để tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm thương mại, trong đó giao Bộ Tài chính quản lý toàn diện và có trách nhiệm ứng dụng CNTT để quản lý. 

Đối với quy định về phá sản doanh nghiệp, dù đã có quy định trong dự thảo, nhưng chưa phù hợp với quy định tại Luật Phá sản. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo làm rõ tính cần thiết phải có các quy định đặc thù này đối với lĩnh vực bảo hiểm, hạn chế tối đa việc tạo thêm các ngoại lệ so với quy định của Luật Phá sản.

Bày tỏ băn khoăn khi dự thảo bổ sung một số quy định còn khác nhau giữa các luật liên quan đến bảo hiểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị phải rà soát cho đảm bảo thống nhất với Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Phá sản, Bộ Luật dân sự. 

"Đặc biệt, việc cung cấp thông tin cũng như cơ sở dữ liệu cung cấp ra là vấn đề cần quan tâm. Do vậy, phải làm sao để đảm bảo không trái quy định, đảm bảo bí mật đời tư, thông tin cá nhân, gia đình. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân nếu công khai phải được người đó đồng ý", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lưu ý cần làm rõ, cung cấp thông tin gì, cho ai cần phải đảm bảo bí mật đời tư.

Tạo cú hích cho thị trường bảo hiểm phát triển mạnh hơn

Lấy kinh nghiệm khi làm Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường cũng đề nghị xem lại dự luật cho phù hợp với Luật Phá sản. Thực tế có trường hợp doanh nghiệp đã phá sản, nhiều người ví “doanh nghiệp chết rồi nhưng chưa được chôn”, nên phải sửa cho đồng bộ.

{keywords}
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường

Ngoài ra, ông Cường cũng đề nghị bổ sung, làm rõ về việc bán và mua bảo hiểm, vì thực tế hiện nay việc mua bán bảo hiểm rất dễ, nhưng khi có sự việc xảy ra đền bù lại rất khó. Hợp đồng bảo hiểm, mỗi đơn vị lại có hợp đồng riêng, không theo chuẩn nào nên có sự cố xảy ra, bên mua yêu cầu đền, còn bên bán bảo hiểm không muốn đền, cuối cùng lại đưa ra toà. 

"Đồng Nai đã có nhiều vụ, khi xảy ra sự cố, bên bán bảo hiểm viện cớ nào đó, không đền bù cho bên mua như vụ cháy nhà gỗ đã 5 năm rồi mà vẫn chưa đền bù được”, ông Cường đề nghị cần có hợp đồng mẫu chung để không xảy ra tranh chấp. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, cần tư duy khi ban hành luật này là tạo cú hích cho thị trường bảo hiểm phát triển mạnh hơn chứ không chỉ sửa một số điểm bất cập. Đó là tư duy kiến tạo phát triển vì đây là thị trường rất tiềm năng. 

Góp ý cụ thể về chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội đánh giá “còn chung chung”. Chẳng hạn như sản phẩm bảo hiểm cho phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, mỗi khi thiên tai, mất mùa thì Nhà nước “chịu trận” và xã hội hoá bù dắp, chứ công cụ phòng ngừa như bảo hiểm thì "vắng bóng". 

{keywords}
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

“Dự thảo nêu Nhà nước có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện tổ chức triển khai các sản phẩm bảo hiểm phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp là đúng rồi, nhưng hỗ trợ cái gì thì vẫn mang tính khẩu hiệu nhiều lắm", Chủ tịch Quốc hội băn khoăn.

Đề cập hợp đồng bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quy định của dự luật còn nặng về lợi ích và bảo vệ rủi ro cho doanh nghiệp, còn quyền lợi của người mua chưa được chú trọng đúng mức. Vì vậy, ngoài xem xét tính tương thích của hợp đồng, cần cân bằng lợi ích giữa bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng, đảm bảo công bằng, minh bạch.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, với quy định về CNTT, phải đưa đúng theo quy định Luật An ninh mạng, đảm bảo bí mật cá nhân, bí mật đời tư. Về vấn đề hợp đồng, ông Phớc tiếp thu các ý kiến và hứa sẽ quy định chặt chẽ, làm sao bảo đảm quyền của cả người bán và người mua, phù hợp với Luật phá sản. 

"Chúng tôi sẽ có bản giải trình đầy đủ, đặc biệt chính sách kinh doanh bảo hiểm như ý kiến đề nghị của Chủ tịch Quốc hội, sẽ phải làm rõ hơn, để có chiến lược, hướng đi đúng đắn, hiệu quả hơn”, Bộ trưởng Tài chính nói.

Thu Hằng

Xem xét miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khó khăn do Covid-19

Xem xét miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khó khăn do Covid-19

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.