Kết luận thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm được Bộ Tài chính công bố cho thấy một tỷ lệ rất cao khách hàng hủy hợp đồng bảo hiểm mua qua kênh ngân hàng chỉ sau 1 năm tham gia.
Tại Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ BIDV Metlife, năm 2021, công ty này triển khai bán bảo hiểm thông qua Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2021 và số liệu báo cáo của công ty, doanh thu phí bảo hiểm triển khai bán thông qua BIDV đạt hơn 1.553 tỷ đồng, tương ứng 99,2% tổng doanh thu phí. Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới triển khai bán thông qua BIDV đạt trên 452 tỷ đồng, tương ứng 98,3% tổng doanh thu phí khai thác mới.
Năm 2021, công ty này phát hành mới 21.123 HĐBH qua kênh bancass, thì tỷ lệ hủy sau năm thứ nhất là 39,4%.
Tại Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam, năm 2021, công ty triển khai bán bảo hiểm thông qua 2 tổ chức tín dụng là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB).
Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2021 và số liệu báo cáo của công ty, tổng doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancass đạt 2.038 tỷ đồng, tương ứng 61,15% tổng doanh thu phí; doanh thu khai thác mới qua kênh bancass đạt 1.907 tỷ đồng, tương ứng 82,27% doanh thu phí khai thác mới. Trong đó: tổng doanh thu phí bảo hiểm qua ACB đạt 1.248 tỷ đồng (chiếm 61,26%) và tổng doanh thu phí bảo hiểm qua TPB đạt 789,484 tỷ đồng (chiếm 38,74%).
Năm 2021, công ty phát hành mới 80.117 hợp đồng bảo hiểm qua kênh bancass, trong đó có 3.247 hợp đồng bảo hiểm bị hủy bỏ trong thời gian cân nhắc (4,05%).
Đáng chú ý, tỷ lệ hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sau thời gian cân nhắc (năm thứ nhất) của các hợp đồng phát hành qua TPB là 73%, qua ACB là 39%.
Năm 2021, công ty này nhận 1.069 thông tin khiếu nại của khách hàng liên quan đến các hợp đồng bảo hiểm bán thông qua kênh bancass.
Tại Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential (Việt Nam), năm 2021, công ty phát hành mới 94.431 HĐBH qua kênh bancass, tỷ lệ duy trì hợp đồng năm thứ nhất (tính theo phí bảo hiểm) là 59%, tương ứng với tỷ lệ hủy, mất hiệu lực năm thứ nhất là 41%.
Năm 2021, công ty nhận được 1.799 thông tin khiếu nại của khách hàng liên quan đến các hợp đồng bảo hiểm bán qua kênh bancass. Qua công tác điều tra, xử lý thông tin khiếu nại từ khách hàng, công ty này phát hiện vi phạm của 10 đại lý bảo hiểm và 25 nhân viên ngân hàng trong hoạt động đại lý.
Tại Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas, năm 2021, công ty bảo hiểm này phát hành mới 66.757 hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) qua kênh bancass, trong đó 3.946 hợp đồng bảo hiểm bị hủy bỏ trong thời gian cân nhắc. Tỷ lệ là 5,91%.
Năm 2021, công ty này tiếp nhận 595 khiếu nại về HĐBH phát hành qua kênh bancass thông qua hai nguồn chính là từ đường dây nóng (57,48%) và các phòng ban trong công ty (29,4%). Qua công tác điều tra, xử lý thông tin khiếu nại từ khách hàng, MB Ageas đã phát hiện vi phạm và xử lý vi phạm đối với các đại lý bảo hiểm cá nhân theo các quy trình kiểm tra, kiểm soát, xử lý đại lý và quy định của công ty.
'Buộc doanh nghiệp vay vốn phải mua bảo hiểm là vô đạo đức'
Tại Hội nghị Đối thoại giữa Doanh nghiệp và Chính quyền TP.HCM tổ chức cuối tuần qua, giám đốc một doanh nghiệp cho biết, khi doanh nghiệp khó khăn, có nhu cầu vay vốn thì ngân hàng lại yêu cầu doanh nghiệp mua bảo hiểm mới được ưu đãi, giảm lãi suất cho vay hoặc giải ngân sớm. Còn nếu không mua bảo hiểm thì phải vay vốn với lãi suất cao.
Theo ông, điều này “chẳng khác nào ép doanh nghiệp” bởi với doanh nghiệp như của ông thì số tiền mua bảo hiểm không nhỏ. “Ngân hàng cố tình đưa doanh nghiệp vào thế buộc phải mua bảo hiểm là kinh doanh vô đạo đức”, vị giám đốc doanh bức xúc.
Trước thông tin phản ánh trên, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh TP.HCM khẳng định, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng không được phép ép khách hàng mua bảo hiểm. Đây là quan điểm chỉ đạo dứt khoát từ lãnh đạo ngành, ngay khi doanh nghiệp tiếp cận tín dụng thì phía ngân hàng thương mại, tuyệt đối không đưa ra các điều kiện để gây khó doanh nghiệp. (Trần Chung)
Giao cơ quan thuế vào cuộc
Liên quan đến một số tồn tại về xử lý tài chính của các công ty bảo hiểm nêu trên, Bộ Tài chính giao Tổng cục Thuế chỉ đạo Cục thuế TP.HCM, Cục Thuế TP. Hà Nội tiến hành đôn đốc, rà soát việc các công ty thực hiện kê khai, tuân thủ quy định pháp luật về thuế, hóa đơn đối với các khoản chi nêu tại Kết luận thanh tra, qua đó tiến hành xử lý đối với các hành vi vi phạm hành chính thuế, hóa đơn (nếu có) và hướng dẫn, xử lý các trường hợp tương tự.
Bộ Tài chính đề nghị Prudential hạch toán giảm chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN năm 2021 hơn 740 tỷ đồng, giao cơ quan thuế rà soát kê khai, tuân thủ quy định về thuế, hóa đơn.
Kết quả công tác thanh tra của Bộ Tài chính cho thấy, việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều sai phạm. Bộ sẽ xem xét xử phạt hành chính và công khai các quyết định này.
Doanh nghiệp bảo hiểm phải nghiêm chỉnh chấp hành, tuân thủ pháp luật, cấm các hành vi mời chào, lôi kéo, tư vấn không đầy đủ (hay gọi nôm na là “ép”) khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.