Suốt đêm qua (28/10), người dân hai huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh (Quảng Bình) nín thở ngồi canh nước lũ.
“Đến sáng nay, mưa giảm dần, nước đã rút khoảng 15-20cm và đang tiếp tục rút chậm, giờ chỉ mong trời đừng mưa nữa cho nước rút hẳn để bà con dọn dẹp, quay lại cuộc sống bình thường”, anh Trần Long (ở thôn Lộc Thượng, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy) nói.
Theo báo cáo mới nhất của tỉnh Quảng Bình, tính đến sáng nay, toàn tỉnh có hơn 32.700 nhà dân bị ngập lụt; 58 thôn, bản bị chia cắt; các tuyến đường giao thông bị ngập tại 76 điểm, sạt lở 13 điểm; 3 tàu cá bị chìm, sạt lở 1,5km kè biển.
Mưa lũ đã làm cho 1 người chết tại huyện Lệ Thủy, 1 người mất tích tại huyện Quảng Ninh; hơn 230ha hoa màu, 4.000 con gia cầm, gần 400ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.
Toàn tỉnh đã di dời 1.249 hộ dân với 3.681 nhân khẩu. Trong đó, huyện Lệ Thủy di dời 99 hộ với 373 nhân khẩu; huyện Bố Trạch di dời 13 hộ với 53 nhân khẩu; huyện Quảng Ninh di dời 1.105 hộ với 3.125 nhân khẩu; huyện Tuyên Hóa di dời 2 hộ với 9 nhân khẩu; thành phố Đồng Hới di dời 30 hộ với 121 nhân khẩu.
Ngoài ra, các địa phương cũng sơ tán tại chỗ 9.123 hộ (Lệ Thủy 8.018 hộ, Quảng Ninh 1.105 hộ).
Toàn tỉnh có 76 điểm bị ngập trên các tuyến đường giao thông. Trong đó, có 14 điểm bị ngập tại các quốc lộ 1, 9B, 15, 9C, 9E. Đường tỉnh có 62 điểm bị ngập...
Để đảm bảo cho người dân đi lại an toàn, Khu Quản lý đường bộ II (Cục Đường bộ Việt Nam) đã chủ động phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông các địa phương kịp thời phân luồng giao thông, không để người dân đi vào những đoạn đường bị ngập sâu.
Tỉnh Quảng Bình đã lên phương án đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân tại vùng bị ngập lụt, cắm biển cảnh báo, phân công lực lượng túc trực, canh gác tại các tuyến đường bị ngập sâu, sạt lở, tuyệt đối không để người và phương tiện qua lại.