Sáng 31/10, ông Trần Văn Kế - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần đường sắt Nghệ Tĩnh cho biết, sau sự cố đường sắt bị sạt lở nghiêm trọng khiến giao thông bị tê liệt, đơn vị đã huy động hơn 100 cán bộ, công nhân trắng đêm khắc phục sự cố.
Ông Kế cho biết, công tác khắc phục sự cố gặp nhiều khó khăn do thời tiết không thuận lợi. Hiện tại phương án khắc phục được thực hiện làm rọ đá hộc, thả đá tự do…
“Hơn 100 công nhân làm việc xuyên ngày lẫn đêm để khắc phục sự cố sạt lở này. Vì số lượng công việc khá lớn, đòi hỏi lao động nặng nên chúng tôi phân thành hai ca để làm nhằm đảo bảo sức khoẻ. Dù điều kiện thi công gặp khó khăn, mưa lớn nhưng đơn vị cố gắng khắc phục xong trong hôm nay”, ông Kế nói.
Trước đó, khoảng 2h sáng 30/10, tại Km354+900 đến 355+750 trên tuyến đường sắt Bắc - Nam khu gian Yên Duệ - Hòa Duyệt (đoạn qua thôn Liên Châu, xã Đức Liên) xảy ra sạt lở nghiêm trọng.
Tại khu vực này có 4 điểm sạt lở, lượng đất đá lớn bị cuốn khỏi nền đường sắt. Trong đó có điểm bị sạt lở gây hở hàm ếch, trồi hẳn bê tông ra ngoài, một số vị trí khác cũng khiến nhiều đất đá, cây xanh từ trên núi sạt lở chảy tràn xuống bồi lấp đường sắt.
Qua kiểm tra, bước đầu ghi nhận có khoảng 500m3 khối đất đá bị cuốn trôi và taluy âm bị hư hỏng toàn bộ 50m nền đường sắt.
Dân tất tả kê gác đồ đạc chạy lũ
Do ảnh hưởng của không khí lạnh và gió đông trên cao, hai ngày qua khu vực Hà Tĩnh xảy ra mưa lớn. Tại huyện Hương Khê có 500 nhà dân bị ngập 0,5-0,7m, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 15 ngập 0,3-0,7m… Mưa lớn nước lũ lên nhanh, ngay trong đêm người dân nhanh chóng kê gác đồ đạc chạy lũ.
Bà Nguyễn Thị Lam (trú xã Hương Đô, huyện Hương Khê) cho hay: “Mưa lớn kéo dài, nước lũ đột ngột lên nhanh chúng tôi không kịp trở tay. Thấy nước lũ lên quá nhanh, ngay trong đêm, cả gia đình tôi vội thu dọn, kê gác đồ đạc lên vị trí cao. Nhiều năm rồi tôi chưa thấy trận mưa nào kéo dài và to như thế này".
Tại xã Lộc Yên (huyện Hương Khê), mưa lớn cũng gây ngập cục bộ nhiều nơi. Ngay trong đêm, bà con cũng khẩn trương thu dọn đồ đạc, di dời tài sản lên khu vực cao ráo để đảm bảo an toàn.
Ông Nguyễn Đức Tuấn (trú xã Lộc Yên) chia sẻ: "Gia đình tôi ở khu vực thấp, nước mấp mé ngập khoảng 1m. Nhà có người già nên từ tối 30/10, thấy nước lũ lên nhanh tôi đã đưa bố và các con lên hàng xóm gửi nhờ, sau đó cùng vợ kê gác đồ đạc".
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Lộc Yên cho biết, mưa lớn kéo dài khiến nhiều khu vực bị ngập sâu. Địa phương đang huy động lực lượng triển khai các phương án ứng cứu, hỗ trợ người dân thu dọn tài sản để tránh ảnh hưởng thiệt hại do mưa lũ.
Theo Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Ngô Xuân Ninh, mưa lũ đã làm ngập hơn 1.800 hộ dân; hơn 20ha cây trồng vụ đông; 9 trường học; 18 nhà văn hóa thôn. Tại địa bàn đã có 3 người bị chết và mất tích.
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, UBND huyện Hương Khê đã ra công điện khẩn chỉ đạo ứng phó. Theo đó, yêu cầu các đơn vị chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến giao thông trọng điểm, các tuyến đường thi công dang dở.