XEM CLIP: Sạt lở đất gây tắc QL7A
Hàng ngàn khối đất đá chia cắt QL7A
Sáng 29/9, trao đổi với VietNamNet, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) Thò Bá Rê cho biết, từ đêm qua đến sáng nay thời tiết vẫn tiếp tục có mưa, gây ra sạt lở đất ở rất nhiều nơi. Nhiều đoạn đường liên xã, liên huyện đang bị chia cắt nghiêm trọng.
Trong đó, QL16, tuyến QL7A đoạn qua xã Hữu Kiệm và Chiêu Lưu bị hàng ngàn khối đất đá, cây cối đổ xuống đường. Nhiều bản có khe suối đi qua bị chia cắt, người dân không thể đi qua khu vực các đập tràn này.
Cụ thể, các địa bàn bị nước lũ chia cắt cùng với sạt lở đất do mưa nhiều ngày qua gồm các xã: Chiêu Lưu, Hữu Lập, Bảo Thắng, Bảo Nam và 2 bản của xã Hữu Kiệm.
“Sạt lở ở tuyến QL7A đang được Ban quản lý đường bộ phối hợp với chính quyền cấp xã lên phương án khắc phục. Đất sạt lở xuống QL7A cao khoảng 5 – 6m, kéo dài khoảng 30m, với khoảng hơn 2.000m3 đất đá. Bước đầu, lực lượng chức năng sẽ dùng máy xúc thông một vệt đường để người dân đi lại”, ông Rê thông tin.
Cũng theo ông Rê, chính quyền 2 xã Hữu Kiệm và Chiêu Lưu đang phối hợp với Ban quản lý đường bộ điều động máy xúc từ 2 đầu điểm sạt lở để mở thông tuyến đường.
Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú – THCS Chiêu Lưu (huyện Kỳ Sơn) Nguyễn Văn Tám cho biết, vị trí sạt lở đất cách trường khoảng hơn 3km đang được khắc phục. Việc sạt lở ảnh hưởng lớn tới hoạt động dạy và học của trường.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trong mấy ngày qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có mưa lớn, trong đó các huyện Quỳ Châu, Quế Phong và Kỳ Sơn chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ.
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, tính đến 17h ngày 28/9, trên toàn tỉnh có 1.860 ngôi nhà bị ngập; 927 nhà bị cô lập; 9 nhà tạm bị sập hoàn toàn; 185 nhà bị ảnh hưởng…
Theo thống kê của các địa phương, có 36 điểm trường bị ngập.
Về giao thông, 10.784m đường bị sạt lở; 3 cầu nhỏ bị hư hỏng; 76 cầu tràn bị ngập; 7 cống bị cuốn trôi... Có 142 người phải sơ tán, hiện nay nước đã rút, các hộ dân đã trở về dọn dẹp nhà cửa, khắc phục hậu quả, riêng thị xã Thái Hòa có 145 nhà vẫn còn ngập.
UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các địa phương, ban ngành kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, đặc biệt là các công trình đang thi công hoặc bị hư hỏng, xuống cấp.
Chủ động phương án vận hành an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, hồ đập đã đầy nước. Bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện kịp thời triển khai cứu hộ, cứu nạn và khắc phục sự cố đê điều, hồ đập, sạt lở.
Các ban ngành, địa phương đang tập trung kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của đơn vị. Kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt để bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước…
Thanh Hóa tập trung khắc phục mưa lũ, ổn định sản xuất
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ tối qua đã giảm mưa, nước trên các sông rút dần. Các lực lượng được huy động để giúp dân khắc phục, ổn định cuộc sống và sản xuất.
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa, mức độ thiệt hại ban đầu do mưa lũ gây ra đã ảnh hưởng đến sản xuất, giao thông trên địa bàn tỉnh. Các lực lượng chức năng đang nỗ lực xử lý, khắc phục.
Trên các tuyến quốc lộ như 15C, Quốc lộ 217, 217B xảy ra nhiều vị trí sạt lở ta luy dương; sa bồi mặt đường khoảng 320m3 tại 50 vị trí, xói lở lề đường tại 21 vị trí; xói lở khoảng 100m mặt đường tại 2 vị trí trên đường tỉnh 520B. Các sự cố giao thông được xử lý bước đầu, bảo đảm đi lại bình thường.
Mưa lớn cũng gây ngập hơn 500ha rau màu, cây trồng, gần 892ha lúa bị ngập 2/3 thân cây, hơn 17ha ao nuôi trồng thủy sản…
Theo ghi nhận, từ tối qua (ngày 28/9) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa không còn mưa, lưu lượng nước trên sông cũng rút dần, các lực lượng đã cùng nhân dân khắc phục hậu quả để ổn định cuộc sống và sản xuất.