Buồn và tiếc
Ngày 12/12 tới đây sẽ là ngày làm việc cuối cùng của Đỗ Ngọc - công nhân may tại Công ty TNHH Coats Phong Phú (TP. Thủ Đức). Cô cũng như đồng nghiệp thuộc diện lao động bị cắt giảm đợt này. “Sắp hết hạn hợp đồng nên công ty không tái ký với tôi nữa. Đơn hàng ít nên họ buộc phải giảm người”, Ngọc nói.
Theo Ngọc, đợt cắt giảm lao động bắt đầu từ tháng 10/2022, đợt tiếp vào trong tháng 11 và sẽ kéo sang cả tháng 1/2023. Mỗi đợt, có từ vài chục đến khoảng một trăm người được gọi thông báo. Đối tượng cắt giảm là lao động có hợp đồng ngắn hạn từ 1-3 năm, sắp hết hợp đồng. Mất việc cận Tết khiến cô công nhân đến từ Vĩnh Long mất luôn khoản lương tháng thứ 13, số tiền mà những lao động xa nhà kỳ vọng cầm về quê sau một năm tha hương.
“Buồn và tiếc. Cả năm trông vào thưởng Tết. Công nhân chúng tôi muốn làm hoài chứ nào ai muốn nghỉ đâu? Giờ biết đi đâu?”, Ngọc trầm giọng.
Trong cảnh tương tự, Nguyễn Như Tuấn - công nhân Công ty May Thiện Huy (quận 12) - cũng mới nhận quyết định bất ngờ không gia hạn hợp đồng từ bộ phận nhân sự. Hết tháng 11, Tuấn sẽ rời công ty. Với mức lương, phụ cấp khoảng 8,5 triệu đồng/tháng và không được hỗ trợ thêm sau khi nghỉ việc, Tuấn sẽ trở về quê ở Đăk Lăk. Anh không có dự định nào khác tại thành phố lúc này, chưa chắc tìm được công việc mới trong khi chi phí sinh ngày càng đắt đỏ.
Điều không ai muốn
Ngân và Tuấn là hai trong số nhiều công nhân bị ảnh hưởng bởi làn sóng cắt giảm lao động đợt này ở khối doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt, ngành may mặc và ngành gỗ. Con số thống kê chính thức chưa có từ các địa phương, nhưng số liệu từ một số vài doanh nghiệp đã cho thấy mức độ giảm nhân sự không nhỏ.
Đơn cử, trong văn bản phát đi ngày 31/10, Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân) thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với gần 1.200 người lao động (nhưng vẫn hỗ trợ công nhân) từ tháng tới vì công ty bị mất đơn hàng.
Trong khi đó, Ban Giám đốc một công ty may lớn khác tại quận 12 cho hay sẽ tạm ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh trong 3 tháng kể từ ngày 8/11, do không có đơn đặt từ các đối tác nước ngoài. Sau 3 tháng, nếu công ty vẫn không ký được hợp đồng mới sẽ thông báo phá sản. Ban Giám đốc doanh nghiệp đã thông báo đến người lao động, hơn 700 công nhân viết đơn xin nghỉ việc.
Tương tự, Công ty TNHH An Giang Samho (tỉnh An Giang) cũng tạm hoãn hợp đồng lao động từ 1.700-3.200 công nhân, không tái ký hợp đồng lao động đối với gần 650 người lao động hết hạn trong tháng 11 và 12/2022. Do ảnh hưởng của lạm phát, số lượng đơn hàng sụt giảm, công ty đã có văn bản gửi đến cơ quan chức năng về kế hoạch thu hẹp sản xuất, bố trí lại lao động.
Để hỗ trợ những lao động mất việc của Công ty TNHH Tỷ Hùng, ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Bình Tân đã có văn bản đề nghị nắm chắc tình hình công nhân lao động; không để ngừng việc tập thể, đình công xảy ra. Liên đoàn Lao động quận cũng sẽ xây dựng kế hoạch chăm lo đột xuất cho 1.185 công nhân lao động bị mất việc với mức chăm lo 500.000 đồng/người.
Ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho biết, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tiếp cận các doanh nghiệp, tiếp xúc người lao động, công đoàn cơ sở để có phương án kết nối giữa công ty có nhu cầu chuyển dụng, tổ chức lại công việc cho lực lượng lao động đang bị cắt giảm.
Cũng theo Sở LĐ-TB&XH, tháng 10/2022, thành phố có 10.899 người nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Lũy kế từ đầu năm đến nay, có 117.532 người nhận quyết định trợ cấp thất nghiệp.