Liều ôm vàng lúc đỉnh
Vàng luôn được đánh giá là kênh đầu tư an toàn và có lợi nhuận cao, chính vì thế nhu cầu mua vàng rất lớn, thậm chí nhiều người liều ôm vàng lúc đỉnh với kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng giá trong tương lai.
Đầu năm 2022, chị Trần Thị Linh (Thanh Xuân, Hà Nội) rút sổ tiết kiệm để mua 2 cây vàng đầu tư, bởi chị quan niệm giá vàng luôn ổn định. Mọi năm, chị chỉ mua 1 chỉ vàng cầu may, nhưng năm nay chị quyết định dồn hết tiền tiết kiệm để mua. Thời điểm đầu năm, chị mua vàng với giá SJC với giá khoảng 61 triệu đồng/lượng.
Sau đó, giá vàng liên tục tăng mạnh, chị Linh hồ hởi vì đã có một khoản lời. Ngày 8/3, giá vàng được các công ty kinh doanh vàng bạc điều chỉnh tăng liên tục và lập đỉnh mới 74 triệu đồng/lượng. SJC niêm yết tại thị trường Hà Nội ở mức giá 71,8 triệu đồng/lượng (mua vào) và 73,42 triệu đồng/lượng (bán ra). Còn Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji cũng điều chỉnh giá bán vàng tăng mạnh, lên mức 72 triệu đồng/lượng (mua vào) và 74 triệu đồng/lượng (bán ra).
Nhận thấy vàng có nhiều khả năng tăng nữa, chị Linh tiếp tục bỏ thêm tiền để mua vàng. Với số tiền hơn 700 triệu đồng, chị Linh mua thêm được 10 cây vàng ở thời điểm đó. “Vàng năm nào cũng tăng nên cơ hội rất lớn”, chị Linh đánh giá.
Tuy nhiên, thị trường không như chị Linh kỳ vọng, giá vàng đã quay đầu giảm. “Đu đỉnh" mua vàng, chỉ hai ngày sau, chị đã lỗ 8,9 triệu đồng/lượng. Chị tiếp tục hy vọng: “Vàng giảm nhưng sẽ không rơi thảm như chứng khoán, mình nghĩ sẽ có ngày về mức 74 triệu đồng/lượng”.
Thời gian gần đây, giá vàng liên tục điều chỉnh giảm, chị Linh càng buồn khi xem tin tức về vàng. Phiên giao dịch 25/5, giá vàng 9999 của SJC đã giảm 900 nghìn đồng ở chiều mua vào và giảm 800 nghìn đồng ở chiều bán ra. Còn giá vàng 9999 của Doji đã giảm 1,1 triệu đồng ở chiều mua vào và giảm 1 triệu đồng ở chiều bán ra.
Kết thúc phiên giao dịch 27/5, giá vàng miếng 9999 tại SJC Hà Nội là 68,55 triệu đồng/lượng (mua vào)- 69,55 triệu đồng/lượng (bán ra). SJC TP.HCM niêm yết ở mức 68,55 triệu đồng/lượng (mua vào) và 69,57 triệu đồng/lượng (bán ra). Doji Hà Nội niêm yết ở mức 68,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 69,45 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại TP.HCM, Doji TP.HCM mua vàng SJC ở mức 68,5 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 69,45 triệu đồng/lượng.
Trái ngược với nhiều người mua vàng thì lãi, tới thời điểm này, chị Linh vẫn đang lỗ 55 triệu đồng.
Kỳ vọng dài hạn
Mặc dù giá vàng giảm nhưng theo các chuyên gia về dài hạn có nhiều triển vọng. Ông Robert Minter, Giám đốc phụ trách chiến lược đầu tư vào ETF của ABRDN, một công ty đầu tư toàn cầu có trụ sở tại Vương quốc Anh nhận định, nhu cầu đầu tư vào vàng sẽ tăng trong năm nay, khi lãi suất tăng và lạm phát cao.
Trái ngược, chuyên gia Bùi Minh Long cho rằng, vàng không phải một kênh đầu tư phù hợp cho dài hạn. Tài sản chúng ta nên đầu tư nhất là tài sản đem lại giá trị gia tăng tốt nhất. Những kênh như vàng thường tạm ổn trong ngắn hạn, nhưng xét về dài hạn thì vàng thường không mang lại hiệu suất cao. Cứ mỗi chu kỳ 10 năm, thị trường thường sẽ có 1-2 năm biến động, tạo cơ hội cho vàng. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư xem vàng như một kênh dài hạn thì họ đã bỏ qua cơ hội trong 8 năm còn lại.
Theo tính toán của nhóm phân tích Dragon Capital, xét trong khung thời gian 10 năm và 20 năm, tỷ suất sinh lời của vàng chỉ cao hơn việc nắm giữ USD, và thấp hơn so với ba kênh đầu tư còn lại là bất động sản, trái phiếu và cổ phiếu.
Đại diện một doanh nghiệp vàng cho rằng, ngay tại thời điểm này, mua vàng có thể chưa phải là quyết định khôn ngoan bởi đã hết yếu tố bất ngờ. Tuy nhiên, với các nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi trong dài hạn, vàng là kênh đầu tư không nên bỏ qua. Bằng chứng là vài tháng nay, ngân hàng trung ương của hàng loạt quốc gia (như Trung Quốc) và các quỹ đầu tư lớn ào ạt mua vào.
Chuyên gia khuyến nghị, nếu bỏ vốn vào vàng, nhà đầu tư nên xác định đầu tư dài hạn, chỉ đầu tư một tỷ lệ nhất định, tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của mình. Đồng thời, phải cập nhật thường xuyên giá vàng để chốt lời vào thời điểm thích hợp.
Bảo Anh