Loạt sự kiện này được xem là bước ngoặt đối với cả Việt Nam và Nvidia. Vậy ông lớn ngành chip thế giới muốn gì ở Việt Nam và Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì?

Những diễn biến chưa từng có

Gần một năm sau chuyến thăm ngày 11/12/2023, CEO Nvidia Jensen Huang đã quay trở lại Việt Nam hôm 5/12. Sự kiện này thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông, cộng đồng công nghệ Việt Nam và quốc tế.

Đó là bởi tầm quan trọng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong thế giới ngày nay, mà Nvidia đang là cỗ máy thúc đẩy xu hướng này.

Tần suất tới Việt Nam với hai lần trong vòng chưa đầy 1 năm của ông trùm công nghệ Jensen Huang - người điều hành tập đoàn có vốn hóa lớn nhất thế giới (3.500 tỷ USD) Nvidia - và việc ông tham gia họp báo ngay sau sự kiện là điều đáng chú ý. 

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Nvidia Jensen Huang là người hiếm hoi tham gia họp báo, ở bất kỳ quốc gia nào.

Ông Huang là người làm công nghệ và thường không mấy hào hứng với báo chí.

Nhưng với Việt Nam thì khác hẳn, ông phấn khích và thân thiện!

Những gì diễn ra thì đều đã rõ. Jensen Huang đến Việt Nam để thành lập hai trung tâm về trí tuệ nhân tạo đẳng cấp thế giới. Đó là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Trí tuệ nhân tạo (AI), được gọi là VRDC và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam. Thỏa thuận được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Nvidia.

VRDC sẽ là một trong 3 trung tâm nghiên cứu phát triển AI lớn trên thế giới, bên cạnh thung lũng Silicon của Mỹ và một trung tâm khác ở Đài Loan (Trung Quốc). Bản thân ông Huang cũng đánh giá, 5/12 là một ngày đặc biệt đối với Việt Nam và ngày lịch sử đối với Nvidia.

CEONvidia Huang uongbiavoiThutuongDec52024.gif
Chủ tịch, CEO Tập đoàn Nvidia Jensen Huang uống bia cùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Nhà sáng lập Nvidia Jensen Huang cho hay 5/12 là ngày khai sinh của Nvidia Việt Nam. Đây là một trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) lớn, nơi sẽ tập trung vào trí tuệ nhân tạo, phần mềm và công nghệ hệ thống mà Nvidia đang triển khai. CEO Nvidia khẳng định sẽ thúc đẩy ngành AI trong nước.

Ngoài việc gặp gỡ và làm việc với các nhà lãnh đạo cấp cao nhất Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Nvidia đã cùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thưởng thức ẩm thực đường phố của Hà Nội, uống bia Trúc Bạch... tại phố Tạ Hiện.

Điểm đáng chú ý nữa là thông tin về việc Nvidia chính thức tiếp quản công ty trí tuệ nhân tạo VinBrain từ Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và ông Huang giành giải VinFuture - một giải thưởng khoa học và công nghệ toàn cầu, lần đầu tiên được trao cho một doanh nhân (cùng với 4 nhà khoa học).

Cũng có khả năng Nvidia cũng sẽ mua VinAI của tỷ phú Vượng. Hồi giữa tháng 10, một nguồn tin trên Tech in Asia cũng như The Business Times tiết lộ Nvidia cân nhắc mua lại VinAI.

“Sự kiện Jensen Huang” cho thấy điều gì?

Có thể thấy, sự kiện CEO Nvidia Jensen Huang hiện diện tại Việt Nam lần này rất đặc biệt. 

Việc tập đoàn số một thế giới Nvidia mua lại công ty trí tuệ nhân tạo Việt Nam - VinBrain, thay vì đầu tư thành lập một công ty mới, chứng tỏ Nvidia đánh giá cao VinBrain, là một tín hiệu đáng mừng cho ngành công nghệ Việt Nam.

VinBrain là một startup chuyên phát triển các giải pháp AI trong lĩnh vực y tế, trong đó có sản phẩm DrAid - giải pháp AI hỗ trợ toàn diện cho chẩn đoán y tế. CEO của VinBrain là Trương Quốc Hùng, người từng làm việc cả thập kỷ tại Microsoft, giữ vị trí giám đốc AI tại tập đoàn Mỹ.

DrAid thu thập và làm sạch được một lượng dữ liệu khổng lồ hình ảnh từ các bệnh viện lớn ở Việt Nam và quốc tế, có khả năng xử lý khối dữ liệu này, từ hình ảnh X-quang, CT, MRI... để đưa ra các chẩn đoán có độ chính xác cao. VinBrain hợp tác với nhiều bệnh viện lớn trong nước và đang mở rộng ra thị trường quốc tế.

Với VinBrain, Vingroup đã tạo ra được một sản phẩm công nghệ cao, hình thành trên cơ sở trang thiết bị phần cứng và phần mềm hiện đại, nhân lực chất lượng quốc tế, tập hợp được dữ liệu lớn và khả năng tổ chức ở trình độ rất cao.

Việc Nvidia chọn Việt Nam làm trung tâm AI thứ 3 trên thế giới, mà không phải các quốc gia hàng đầu về AI khác như Trung Quốc, Anh, Singapore, Canada... là tín hiệu rất đáng mừng.

Một số chuyên gia công nghệ hàng đầu tại Việt Nam phân tích, Nvidia có thể đang áp dụng chiến lược lock-in (khóa chặt) mà Oracle và Cisco đã từng dùng ở Việt Nam, hay Microsoft áp dụng trên toàn cầu với hệ điều hành Windows, khiến khách hàng khó có thể rời xa.

Nhận định này không phải không có lý, bởi đây là chiến lược quen thuộc của các tập đoàn lớn trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Ngay cả việc mua VinBrain cũng có thể nằm chiến lược M&A trên phạm vi toàn cầu, khi tài chính dồi dào và muốn đảm bảo duy trì vị thế số 1 trong lĩnh vực AI.

Nvidia cũng có kế hoạch mở trường đào tạo AI ở Việt Nam. Tất nhiên, học viên sẽ học công nghệ AI của Nvidia và đây là lợi thế về lâu dài của tập đoàn này.

Tuy nhiên, đó chỉ là một góc nhìn. Câu hỏi được đặt ra là tại sao lại chọn Việt Nam, mà không phải các cường quốc AI khác?

Trên thực tế, không ít phân tích cho rằng, AI không còn là công nghệ của tương lai mà đã đi sâu vào các lĩnh vực kinh tế, là động lực để một quốc gia có thể bứt phá. AI sẽ đóng góp thêm hàng chục nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh ông Donald Trump sắp trở lại Nhà Trắng, rất ưu tiên phát triển công nghệ và có chiến lược cạnh tranh mạnh mẽ với Trung Quốc, thì dòng vốn quốc tế có thể dịch chuyển và chọn Việt Nam.

Với sự xuất hiện của Nvidia, Việt Nam được kỳ vọng sẽ là nơi thu hút nhân tài công nghệ trên thế giới.