Xe thanh lý “giá bèo”, món hời khi so giá thị trường
Thời gian gần đây, nhiều cơ quan Nhà nước dần tiến hành loại bỏ các ô tô quá cũ, theo quy định tại Nghị định số 52/2009/NĐ-CP. Trong số này, đủ các thương hiệu ô tô của Nhật, Mỹ như Toyota, Nissan, Ford,... mà giá khởi điểm không quá 100 triệu đồng, thậm chí có xe bán giá chỉ bằng chiếc xe tay ga tầm trung.
Điển hình như hồi đầu năm, Cục kế hoạch - tài chính (Bộ Tài chính) thông báo thanh lý chiếc Toyota Zace đời 2004, giá khởi điểm là 79 triệu đồng. Zace là chiếc SUV của Toyota từng là ước mơ của đàn ông Việt giai đoạn đầu thế kỷ 21 và đến nay vẫn còn được ưa chuộng khi giá ở thị trường xe cũ vẫn cao ngất ngưởng, đời 2004 lên tới gần 200 triệu đồng, có chiếc “thét” giá hơn 250 triệu đồng.
Một chiếc SUV Toyota khác cũng thuộc hàng “giữ giá” trên thị trường xe cũ là Land Cruiser được thông báo giá rẻ gây “sốc”, đó là chiếc xe đời 2001 của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, giá khởi điểm 73,4 triệu đồng. Cùng đời xe này, người dân hiện đang rao bán giá từ 240 triệu đến 280 triệu đồng.
Hay mới đây nhất vào giữa tháng 4, Vụ Tổ chức - Hành chính (Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT) thông báo bán 2 chiếc xe cũng thuộc “hàng chất chơi” nhưng giá “mềm”, đó là Nissan Patrol giá khởi điểm 100 triệu đồng và Honda Accord giá 50 triệu đồng.
Thông thường theo quy định, ô tô công sẽ được bán thanh lý với điều kiện đã sử dụng trên 15 năm, hoặc đi được 250.000km (khu vực miền núi là 200.000km), hoặc hư hỏng không thể khắc phục.
Thế nhưng có những chiếc nhìn bề ngoài vẫn còn “nuột nà” không khác gì xe trong dân mà giá lại rẻ bằng 1/3. Đó là trường hợp của chiếc Mitsubishi Lancer đời 2005 của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Hòa Bình, đang được đấu giá trong tháng 5 với giá từ 55 triệu đồng.
Như vậy, với số tiền chỉ từ vài chục đến 100 triệu đồng, người mua theo lý thuyết đã lời nguyên chiếc xe nếu so với giá thị trường. Theo quy định Bộ Tài chính, phí trước bạ đối với ô tô mua mới dưới 10 chỗ là 12% giá trị xe; riêng xe ô tô cũ thuế trước bạ là 2% giá trị xe đã khấu hao. Dựa vào Thông tư 301/2016/TT-BTC, giá trị của xe trên 10 năm tuổi xuống chỉ còn 20%, nên so với mua xe mới, người mua xe công thanh lý sẽ tiết kiệm khoản lớn.
Nhưng liệu xe công thanh lý có thực sự là món hời?
Người ham ôm cục nợ, thợ thuyền còn tránh xa
Năm 2019, anh Nguyễn Quang Tú (Láng, Hà Nội) rước về nhà chiếc Kia Pride đời 1995 vẫn còn biển xanh. Đây là chiếc xe anh mua lại của một người bạn, giá chỉ 35 triệu đồng. Vì qua tay quá nhiều chủ nên đến mình, anh Tú chỉ biết nó từng phục vụ trong một viện khoa học nhờ tấm “cà vẹt”.
Hí hửng có chiếc xe nổi tiếng bền bỉ để đi lại tránh mưa gió, nhưng so với những chiếc Kia Pride trong hội “biển trắng” mà anh Tú tham gia trên mạng, nó “vặt” khá nhiều tiền mà chưa đâu vào đâu. Lúc lấy về, anh Tú đã phải đi vá lại khung gầm bị mọt và hoen rỉ, rồi lần lượt thay sửa từ hộp số, trục láp, máy phát, két nước,...hết loanh quanh nhẩm đếm đã tròm trèm 40 triệu đồng. Đã vậy xe còn tốn xăng và liên tục đòi...nằm đường!.
Giống anh Tú, anh Lương Xuân Trường (Gia Lâm, Hà Nội) kiếm được “hàng hiếm” là chiếc Lada Niva của Liên Xô cũ, sản xuất năm 1986, biển xanh ngoại tỉnh nên giá rất “bèo”, chỉ 20 triệu đồng. Anh Trường vung tay “độ” ngoại hình cho chiếc SUV cũ này rất hầm hố với số tiền ném vào cũng lên tới 30 triệu đồng. Thế nhưng chiếc xe từ lúc hoàn thiện ngoại thất vẫn vứt xó...cả năm, chỉ vì phần điện và động cơ, mãi không tìm được “thầy” khắc phục. Giờ anh Trường nhẩm tính không biết bán đồng nát có được cái giá như lúc mua về hay không?
Thực tế, những người am hiểu về ô tô cũ như dân buôn hay giới chơi xe lâu năm, không mấy ai mặn mà với xe công thanh lý.
Anh Phạm Mạnh Hùng (Ba Đình, Hà Nội), người có kinh nghiệm gần 30 năm chơi xe địa hình cho biết rất yêu thích dòng Toyota Land Cruiser nhưng nếu có nghe ngóng thấy nơi này, nơi kia bán thanh lý xe biển xanh anh cũng không ham tìm hiểu.
“Xe do cá nhân sử dụng thường được bảo hành bảo dưỡng đầy đủ, thay thế linh kiện định kỳ, biết giữ xe, thì kể cả có 15, 20 tuổi nó vẫn có giá trị. Nhưng với xe công lại là câu chuyện khác. Nó không thể được chăm sóc, yêu quý như xe cá nhân. Câu chuyện cha chung không ai khóc, để đến mức hỏng không sửa được mới thanh lý thì mình tốn một đống tiền đi khắc phục cũng chưa chắc ngon ăn”, anh Hùng nêu quan điểm.
Nói về chất lượng xe công nhiều tuổi, anh Huỳnh Trọng Nhân, chủ xưởng sửa chữa ô tô Trọng Nhân (quận Hai Bà Trưng Hà Nội) thừa nhận một thực tế là rất ít chiếc nào...còn “zin” sau từng ấy năm phục vụ. Anh Nhân nói: “Tôi từng sửa nhiều xe mà hệ thống điện đã bị thay đổi theo kiểu chế cháo chạy tạm, đồ phụ tùng cũng không phải loại tốt. Mà nhiều xe phát hiện mới có dấu hiệu sắp hư hỏng một bộ phận nào đó nhưng lái xe bảo cứ từ từ, chạy tiếp vì chưa được duyệt thay thế. Lâu dần đến lúc hỏng nặng có khi họ cũng...kệ, vì có thể nhờ thế mà họ sẽ được đổi xe mới, lái nhàn hơn”.
Một dân buôn xe lâu năm tại đường Phạm Hùng (Hà Nội) cho hay, trong danh mục buôn bán của mình không bao giờ có tên “xe biển xanh”. Người này nói, buôn loại xe này chẳng lời lãi được bằng xe dân bán, vì phải mất công đi lại làm giấy tờ thủ tục vô cùng vất vả, hơn nữa xe ngon đã chẳng đến tay, mà mua hàng “đồng nát” về chẳng khác nào ôm “cục nợ”.
Với sản lượng thị trường ô tô Việt Nam hiện nay đã tiêu thụ lên tới 300 ngàn – 400 ngàn xe/ năm thì nguồn cung xe cũ cũng tạo nên sự khác biệt so với cách đây 10, 20 năm. Người dân và dân buôn xe khi có thêm nguồn lựa chọn xe khá dồi dào, đã tạo thêm áp lực cho những chiếc xe biển xanh không còn được săn đón như trước. Vì vậy không quá bất ngờ khi có những chiếc xe đã qua 3, 4 đợt thông báo thanh lý mà cơ quan chủ quản vẫn chưa “rũ bỏ” được, dù giá rẻ bèo.
Đình Quý
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!