Các mức phạt đối với tội đua xe, tổ chức đua xe trái phép rất nghiêm minh. Đặc biệt, hành vi tổ chức đua xe trái phép có thể bị phạt tù chung thân.
Anh Đoàn Gia Huy (20 tuổi, ở Hà Nội) hỏi:
Tôi có lần gặp một nhóm thanh niên đua xe trái phép, chạy bạt mạng trên đường khiến nhiều người tham gia giao thông lo sợ tai nạn xảy ra.
Theo pháp luật, hành vi đua xe, tổ chức đua xe trái phép sẽ bị xử lý như thế nào?
Trả lời:
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, hành vi đua xe, tổ chức đua xe trái phép sẽ bị xử lý cụ thể như sau:
Các mức xử phạt đối với hành vi đua xe trái phép
Xử phạt vi phạm hành chính hành vi đua xe trái phép
Căn cứ Điều 34 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 19 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định mức phạt đối với hành vi đua xe trái phép như sau:
Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Tụ tập để cổ vũ, kích động hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường hoặc đua xe trái phép.
- Hành vi đua xe đạp, đua xe đạp máy, đua xe xích lô, đua xe súc vật kéo, cưỡi súc vật chạy đua trái phép trên đường giao thông (hình phạt bổ sung: tịch thu phương tiện, trừ súc vật kéo, cưỡi).
Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với người đua xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép (hình phạt bổ sung: tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 3 - 5 tháng và tịch thu phương tiện).
Phạt tiền từ 20 - 25 triệu đồng đối với người đua xe ô tô trái phép (hình phạt bổ sung: tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 3 - 5 tháng và tịch thu phương tiện).
Người có hành vi đua xe trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội đua xe trái phép” quy định tại Điều 266 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017), cụ thể:
- Người nào đua trái phép xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đua xe trái phép hoặc tổ chức đua xe trái phép (Điều 265 Bộ luật Hình sự) hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, cụ thể:
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
Gây thiệt hại về tài sản từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng.
- Mức phạt cao nhất đối với tội danh đua xe trái phép là phạt tù từ 12 - 20 năm.
- Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng.
Tổ chức đua xe trái phép có thể bị phạt tù chung thân
Căn cứ Điều 265 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017), người nào tổ chức trái phép việc đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ, thì bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.
Mức phạt tối đa đối với tội danh này là phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân:
- Làm chết 3 người trở lên.
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.
- Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên.
Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng.
Cơ quan công an khuyến cáo người dân, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi thanh, thiếu niên cần quan tâm, theo sát con em trong quá trình chăm sóc, quản lý, giáo dục để kịp thời phát hiện nếu con mình có các biểu hiện sử dụng xe độ, đi chơi đêm, tham gia các nhóm tụ tập, tổ chức chạy xe tốc độ cao, nẹt pô, biểu diễn.
Người dân cần nâng cao hiểu biết về pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, nhận thức về hậu quả, hệ lụy của việc tụ tập, chạy xe gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép để góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông.