Nhiều vấn đề "nóng" đang gây bức xúc trong dư luận được cử tri phản ánh như tình trạng giá thuốc chênh lệch, nhiều loại thuốc điều trị bệnh hiểm nghèo không nằm trong danh mục BHYT... VietNamNet đăng tải tuyến bài Kiến nghị cấp bách và lời hồi đáp từ Bộ trưởng Y tế để phản ánh những bất cập đang tồn tại trong lĩnh vực y tế và ý kiến phản hồi từ Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan.
Cử tri TPHCM trong kiến nghị gửi trước Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV đề nghị có biện pháp cụ thể để nâng tỷ lệ sinh ở các vùng đô thị, không để tình trạng già hóa dân số từ đó dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động trong thời gian sắp tới.
Trả lời kiến nghị này, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho hay Việt Nam đạt mức sinh thay thế từ năm 2006, tuy nhiên chưa thực sự bền vững, xuất hiện xu thế mức sinh thấp. Năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo. "Xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung ở một số đô thị", Bộ trưởng Lan cho biết.
Khái niệm tỷ suất sinh thô - chỉ tiêu đo lường mức sinh của dân số - cho biết cứ 1.000 dân, có bao nhiêu trẻ em sinh ra sống trong thời kỳ nghiên cứu. Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê
Biểu đồ trên cho thấy nếu năm 2016, cứ 1.000 dân thành thị thì có 15,5 trẻ em được sinh ra sống, đến năm 2023, con số này giảm về còn 13,5. Tỷ suất sinh thô của vùng này luôn thấp hơn mức chung cả nước.
Theo Bộ trưởng Lan, 21/63 tỉnh, thành có mức sinh thấp, chiếm gần 40% dân số cả nước; hầu hết nằm ở vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, đô thị hóa cao, tăng trưởng kinh tế nhanh. Đông Nam bộ là vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất Việt Nam nhưng lại có mức sinh thấp nhất cả nước, bình quân mỗi phụ nữ sinh 1,47 con.
Mức sinh ở thành thị đã xuống thấp hơn mức sinh thay thế trong khoảng 20 năm qua. Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê
“Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội”, người đứng đầu ngành y tế nhận định.
Trong văn bản trả lời kiến nghị cử tri TPHCM, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 588 năm 2020 phê duyệt Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030.
Trong đó, tại những địa phương đã đạt mức sinh thay thế và có mức sinh thấp, cần tập trung ưu tiên thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp nhằm vận động, hỗ trợ, khuyến khích người dân sinh đủ 2 con.
Cụ thể, điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích sinh đủ 2 con như bãi bỏ các quy định của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng liên quan đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ 3 trở lên.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của các chính sách về lao động, việc làm, nhà ở; phúc lợi xã hội; giáo dục; y tế;... đến việc sinh ít con. Chính quyền địa phương nghiên cứu, ban hành các biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ hai con.
Một số nội dung hỗ trợ, khuyến khích cần thí điểm cũng được đưa ra như hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở; ưu tiên vào các trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em...
Đặc biệt, Bộ trưởng Y tế dẫn thông tin từ Quyết định 588/QĐ-TTg năm 2020 với nội dung “từng bước thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn”, khi nói về những biện pháp can thiệp, điều chỉnh mức sinh ở vùng mức sinh thấp và đạt mức sinh thay thế (gồm 30 tỉnh, thành).
Nhiều tỉnh hỗ trợ tiền, hiện vật cho người sinh đủ 2 con trước 35 tuổi
Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 01/2021 hướng dẫn một số nội dung để địa phương ban hành chính sách khen thưởng, hỗ trợ, khuyến khích duy trì vững chắc mức sinh thay thế. Theo đó, các tỉnh thuộc vùng mức sinh thấp, căn cứ vào thực tiễn để lựa chọn, quyết định khen thưởng, hỗ trợ tiền hoặc hiện vật cho phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi.
"Bộ Y tế cũng đã nghiên cứu đưa một số nội dung hỗ trợ, khuyến khích nêu trên vào dự Luật Dân số, dự kiến trình Quốc hội thông qua vào tháng 10/2025", Bộ trưởng Lan cho biết.
Theo người đứng đầu ngành y tế, một số tỉnh, thành phố vùng mức sinh thấp và mức sinh thay thế đã ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích như khen, thưởng tiền cho các tập thể xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố đạt và vượt tỷ lệ cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con; hỗ trợ tiền hoặc hiện vật; hỗ trợ các chi phí y tế 1 lần sinh con đối với phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi; hỗ trợ giảm học phí từ bậc học mầm non đến bậc trung học phổ thông thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Một số tỉnh đã triển khai, mở rộng các mô hình "nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi và sinh đủ 2 con trước 35 tuổi", "xã, phường, thị trấn đạt chuẩn sinh đủ 2 con"..., điển hình như tỉnh Hậu Giang, Cần Thơ.
Từ ngày 15/7/2022, Hậu Giang tặng giấy khen của Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố cho phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi. Ngoài ra, hỗ trợ một lần 1,5 triệu đồng viện phí cho phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi, không vi phạm chính sách dân số; hỗ trợ một lần chi phí khám sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh theo giá dịch vụ y tế hiện hành tại các cơ sở y tế công lập.
Tại Tiền Giang, từ năm 2022, phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi được khen kèm hỗ trợ 1 triệu đồng. Xã, phường, thị trấn có 3 năm liên tục đạt và vượt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh con sinh đủ 2 con được khen kèm hỗ trợ 30 triệu đồng; mức thưởng tăng lên 50 triệu nếu duy trì 5 năm liên tục.
Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mức sinh những địa phương này chưa cải thiện. Năm 2023, mức sinh ở Cần Thơ là 1,44 con/phụ nữ (năm 2022 là 1,73); Tiền Giang là 1,72 (năm trước đó là 1,66); Cà Mau là 1,55 (năm trước đó là 1,81); Hậu Giang nhích lên 1,52 con/phụ nữ (năm trước là 1,51).