Tốc độ già hóa dân số chịu tác động mạnh mẽ do yếu tố giảm sinh. Tuy nhiên, nước ta có thách thức lớn vì già hóa nhanh trong điều kiện thu nhập trung bình. Hơn nữa, dù tuổi thọ người dân Việt ngày một tăng nhưng số năm sống khỏe lại thấp. Người trẻ sinh đẻ ít đi nên khi chỉ có một hoặc hai con, gánh nặng lo toan về tài chính, an sinh, sức khỏe cho bản thân, con cái, cha mẹ già… trong tương lai nhiều hơn.
Theo thống kê của Cục Dân số (Bộ Y tế), ước tính, tổng tỷ suất sinh năm nay của Việt Nam là 1,95 con/phụ nữ, tiếp tục giảm so với năm 2022 (2,01 con/phụ nữ), ngày càng bỏ xa mốc 2,09 con năm 2019. Kết quả này không đạt kế hoạch đề ra là 2,1 con/phụ nữ (tương đương mức sinh thay thế).
Tình trạng báo động nhất là vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Một số địa phương tại đây tiếp tục đà giảm sâu như Bạc Liêu, Hậu Giang, Bến Tre, Bình Dương, TP.HCM.
Ông Mai Trung Sơn, Cục Dân số, cho hay nếu mức sinh tiếp tục giảm, Liên Hợp Quốc dự báo năm 2500 dân số Việt Nam chỉ còn 3,6 triệu người, bằng tỉnh Nghệ An bây giờ. Đến năm 2700, Việt Nam chỉ còn vài chục nghìn người.
Thực tế, khi nhận thấy có xu hướng giảm sinh tại một số địa phương, Việt Nam đã thực hiện chương trình Điều chỉnh mức sinh (gọi tắt là Chương trình 588) nhưng thực tế việc điều chỉnh mức sinh của từng địa phương, đặc biệt là nơi có mức sinh thấp, gặp nhiều khó khăn.
Một mặt, các địa phương chưa có nhiều hoạt động can thiệp tăng mức sinh; mặt khác số cặp vợ chồng trẻ tuổi có xu hướng chậm sinh con hoặc chỉ sinh một con; xu hướng kết hôn muộn trở nên phổ biến…
Cùng đó, các chính sách để hỗ trợ, khuyến khích người dân sinh đủ 2 con và các mô hình can thiệp để nâng mức sinh như can thiệp đối với vị thành niên, thanh niên; dự phòng vô sinh tại cộng đồng đối với nhóm dân số trẻ, khóa học trước khi kết hôn,... lại đang trong quá trình xây dựng, đề xuất nên chưa đủ mạnh để nâng mức sinh của các tỉnh/TP thuộc vùng mức sinh thấp.
Hệ lụy lâu dài khi mức sinh thấp
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, hiện Việt Nam có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp và rất thấp.
Trung bình mỗi phụ nữ ở vùng Đông Nam bộ chỉ còn sinh 1,56 con, đồng bằng sông Cửu Long là 1,8 con. Các tỉnh mức sinh thấp có quy mô dân số gần 38 triệu người (chiếm gần 40% dân số cả nước). Theo bà Hương, điều này sẽ “tác động rất lớn đến sự phát triển bền vững”.
"Các chuyên gia cho rằng nếu mức sinh về dưới 1,3 con thì hầu như không có khả năng hồi phục về mức sinh thay thế", ông Mai Trung Sơn cảnh báo. Trong khi đó, có năm mức sinh ở TP.HCM về còn 1,24 con, tương đương các nước châu Âu phát triển.
Thực tế, kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều nước trên thế giới đã thành công trong việc giảm sinh nhưng chưa có nước nào thành công trong việc đưa mức sinh rất thấp về mức thay thế, dù có nhiều chính sách khuyến sinh với nguồn lực đầu tư lớn.
Tiến sĩ Hà Anh Đức, Chánh văn phòng Bộ Y tế, cho hay nhiều quốc gia khi đối diện tình trạng mức sinh giảm thấp đã liên tục đưa ra các biện pháp ngăn đà giảm. Ví dụ, tại Hàn Quốc, sau khi phá kỷ lục về tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, chính phủ đã tăng gấp 3 lần số tiền chi trả cho hoạt động khuyến sinh; tăng mạnh trợ cấp để khuyến khích các gia đình sinh thêm con. Bất chấp khó khăn trong chính sách tài chính, Hàn Quốc vẫn tăng hỗ trợ các gia đình.
Tại Việt Nam, trong điều kiện kinh tế tiếp tục tăng trưởng, đô thị hóa ngày càng nhanh, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, xu hướng giảm sinh càng được củng cố, lan rộng. Các chuyên gia đánh giá mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội,... Mức sinh không phải là câu chuyện “đẻ ít đẻ nhiều” mà việc tái sản xuất dân số còn ảnh hưởng đến sự tồn vong của dân tộc.
Tiến sĩ Đức đánh mức sinh thấp để lại hệ lụy lâu dài, chi phí chăm sóc sức khỏe và chi phí xã hội khác cao hơn. Lượng người lao động, công nhân ít hơn cũng làm giảm khả năng cạnh tranh kinh tế, ít người tiêu dùng hơn, từ đó khiến tăng trưởng kinh tế thấp hơn và mức sống giảm đi.
Mức sinh thấp càng thúc đẩy tốc độ già hóa đang như "vũ bão"
Theo GS.TS Giang Thanh Long, chuyên gia cao cấp về dân số và phát triển của trường Đại học Kinh tế Quốc dân, già hóa dân số là điều tất yếu xảy ra với một quốc gia vừa tăng tuổi thọ lại vừa giảm mạnh tỷ lệ sinh như Việt Nam.
Trong một thời kỳ dài, Việt Nam kiểm soát tốc độ gia tăng dân số, kiểm soát mức sinh, nhiều gia đình chỉ sinh 1-2 con. Gia đình ít con đem lại nhiều thuận lợi, nhưng áp lực lên vai họ cũng nặng nề hơn trong trách nhiệm với cha mẹ hai bên sau này, đặc biệt với xu thế kết hôn và sinh con muộn như hiện nay.
“Đây là xu hướng dân số nhiều thách thức. Nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hiện nay rất khó vực dậy mức sinh trong bối cảnh già hóa dân số do người dân sinh ít con thời kỳ dài cùng với những biến đổi lớn trong bối cảnh kinh tế - xã hội”, Giáo sư Giang Thanh Long nhận định.
Năm 2018, Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên trên thế giới có tổng tỷ suất sinh dưới 1. Dự kiến cuối năm 2023, con số này giảm về còn 0,78 con/phụ nữ, trong đó ở thủ đô Seoul chỉ còn chưa tới 0,4 con.
Sinh ít con khiến số người sinh ra ở nước này không đủ bù đắp người mất đi, dẫn tới nguy cơ giảm dân số, làm cho tốc độ già hóa càng nhanh hơn. Gia đình nhỏ hơn càng đẩy gánh nặng trách nhiệm gia đình, xã hội cho lực lượng trụ cột tài chính trong khi họ càng áp lực vì chi phí liên quan cuộc sống, công việc thì lại càng lười sinh đẻ.
Việt Nam nếu không ngăn chặn kịp đà giảm sinh, duy trì mức sinh thay thế bền vững, tức là mỗi phụ nữ sinh đủ 2 con, nguy cơ như Hàn Quốc và Trung Quốc, Nhật Bản càng hiện hữu.