Tuần Việt Nam trao đổi với Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thành viên Tổ biên tập thuộc Tiểu ban Kinh tế - Xã hội phục vụ Đại hội.
Báo cáo kinh tế cho Đại hội Đảng đã đề ra các mục tiêu phát triển rất cao và cụ thể. Là một trong những người biên tập chủ chốt, ông nhìn nhận các mục tiêu đó ra sao?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chúng ta chuẩn bị bước vào giai đoạn khởi đầu cho Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm, Kế hoạch 5 năm với những mục tiêu phát triển đã được bàn bạc kỹ lưỡng, bắt đầu một giai đoạn phát triển mới, đưa đất nước thực hiện các mục tiêu phát triển thịnh vượng gắn với các dấu mốc lịch sử trọng đại của dân tộc.
Với trách nhiệm được giao là cơ quan thường trực của Tổ biên tập thuộc Tiểu ban Kinh tế - Xã hội phục vụ Đại hội, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, viện, trường, cơ sở nghiên cứu, các chuyên gia trong nước và ngoài nước tham mưu, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm lần thứ 4 giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch 5 năm lần thứ 11 giai đoạn 2021-2025.
Các văn kiện này đã thực sự trở thành kim chỉ nam, phương hướng, đường lối phát triển của đất nước trong chặng đường mới.
Đặc biệt, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đã định hướng đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Chiến lược lần thứ 4 đã xác định tầm nhìn dài hạn đến đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Chúng ta thấy được những mục tiêu đặt ra cho 5 năm, 10 năm, 25 năm tới là hết sức lớn và khó khăn.
Thưa Bộ trưởng, những giải pháp quan trọng nhất, những lĩnh vực cốt yếu nhất là gì để thực hiện các mục tiêu rất lớn lao đó?
Có hàng loạt các quan điểm phát triển giúp thực hiện các mục tiêu đó.
Các văn kiện đã thực sự trở thành kim chỉ nam, phương hướng, đường lối phát triển của đất nước trong chặng đường mới. |
Tôi cho rằng, chúng ta phải phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy, tầm nhìn và hành động, phải chuẩn bị tâm thế thật tốt để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của đổi mới sáng tạo.
Cả Nhà nước và người dân phải chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước.
Cần phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền; phát triển hài hoà giữa kinh tế với văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội; quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người yếu thế để xã hội hài hòa, bao dung.
Chúng ta cần phát triển nhanh, hài hoà các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển; mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân.
Thế và lực của nước ta mặc dù đã lớn mạnh hơn trước rất nhiều, nhưng nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình vẫn còn hiện hữu. Ảnh: Phạm Hải |
Xây dựng nền kinh tế tự chủ phải trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hoá thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế. Phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và khả năng chống chịu hiệu quả trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài.
Đạt được mục tiêu kép
Nhìn lại quá trình phát triển kinh tế 5 năm qua, ông thấy những dấu ấn nào rõ nét nhất?
Dấu ấn rõ nét nhất là về giai đoạn 2017-2019, khi nền kinh tế đạt được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trên tất cả các mặt.
Phải đổi mới tư duy, tầm nhìn và hành động, phải chuẩn bị tâm thế thật tốt để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của đổi mới sáng tạo. |
Chúng ta cùng nhớ lại năm 2017, mặc dù kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, thách thức khi tăng trưởng GDP những quý đầu năm không đạt dự kiến, nhiều ý kiến lo ngại khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,7%, song chúng tôi đã tham mưu Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng, kiên quyết không điều chỉnh mục tiêu, đồng thời ban hành nhiều nhiệm vụ, giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đến thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài…
Sự quyết tâm và kiên định đó đã mang lại kết quả đáng tự hào, tăng trưởng GDP năm 2017 đạt 6,81%, vượt mục tiêu đề ra là 6,7% và đạt mức cao nhất trong các năm 2011-2017.
Giữ nguyên tinh thần đó, các năm 2018-2019, chúng ta đã chứng kiến nền kinh tế phát triển bứt phá, đạt và vượt 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao, thể hiện trên nhiều mặt như: tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất trong cả thập kỷ qua; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; thu hút, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất siêu, dự trữ ngoại hối, thành lập mới doanh nghiệp… liên tục thiết lập những kỷ lục mới…
Năm 2020, cả nước đối mặt với những khó khăn chưa từng có trong lịch sử do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thiên tai bão lũ, sạt lở đất nghiêm trọng…
Chúng tôi đã theo dõi sát sao, liên tục phân tích, đánh giá và dự báo tình hình, cập nhật các kịch bản tăng trưởng kinh tế, xây dựng, tham mưu đề xuất kịp thời cho Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ nhiều nhiệm vụ, giải pháp chính xác, hiệu quả, vừa giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, người lao động, vừa giải quyết căn cơ những tồn tại của nền kinh tế, tạo nền tảng tốt cho phục hồi và tận dụng, nắm bắt cơ hội phát triển đất nước.
Có thể khẳng định, chúng ta đã đạt được “mục tiêu kép” trong phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế. Tốc độ tăng trưởng năm 2020 đạt 2,91%, Việt Nam là quốc gia hiếm hoi duy trì tăng trưởng dương trên thế giới.
Cổng chính Trung tâm hội nghị quốc gia, nơi diễn ra Đại hội Đảng 13. Ảnh: Phạm Hải |
Bộ trưởng nhìn nhận ra sao về các thách thức phát triển của đất nước, và đâu là các chính sách để thích ứng?
Bối cảnh thế giới và trong nước năm 2021 vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức.
Thế giới còn nhiều bất định do tác động của đại dịch Covid-19. Căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia dự báo sẽ ngày càng gay gắt. Nhiều quốc gia đang có mức thâm hụt ngân sách và nợ công cao, làm gia tăng rủi ro, có thể dẫn tới khủng hoảng tài chính, nợ công trong tương lai.
Thế và lực của nước ta mặc dù đã lớn mạnh hơn trước rất nhiều, nhưng nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình vẫn còn hiện hữu. Nền kinh tế vẫn còn những nút thắt trong quá trình phát triển, chưa thực sự được giải quyết, khơi thông. Năng lực cạnh tranh về cơ bản vẫn ở mức trung bình trên thế giới, nhất là những tiêu chí quan trọng cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Cạnh tranh giữa các đô thị ngày càng lớn, nhất là trong việc trở thành các trung tâm tài chính, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…
Các vấn đề xã hội gây áp lực lớn đến phát triển, như già hoá dân số, chênh lệch giàu - nghèo và trình độ phát triển, những vấn đề của đô thị hoá, khai thác, sử dụng hiệu quả bền vững nguồn tài nguyên.
Những thách thức về biến đổi khí hậu, môi trường và tài nguyên ngày càng tăng lên, nhất là trong bối cảnh Việt Nam được dự báo là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Tuy nhiên, khó khăn, thách thức luôn đi kèm với những cơ hội rộng mở. Bối cảnh phát triển mới, đặc biệt là bối cảnh “hậu Covid-19”, 13 hiệp định FTA thế hệ mới được ký kết, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự dịch chuyển của dòng thương mại và đầu tư quốc tế, thời kỳ dân số vàng… cũng đang tạo ra thời cơ lớn để chúng ta cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững và bao trùm.
Phần 2: Đột phá về cách làm và tư duy
Tư Giang - Lan Anh
Không để xói mòn các nền tảng vĩ mô đã dày công tạo dựng
Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát vẫn là chính sách ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn phát triển tới trong các chỉ đạo của lãnh đạo quốc gia.