Được khởi xướng từ năm 2014, với tên gọi Quốc gia Thông minh (Smart Nation) 1.0, chiến lược chuyển đổi số của Singapore đã đưa quốc gia này trở thành một trong những nước tiên phong về công nghệ, không chỉ tại khu vực Đông Nam Á mà còn trên toàn thế giới.
Trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây
Trong vòng hai thập kỷ qua, Singapore đã khẳng định vị thế của mình là một trong những trung tâm dữ liệu hàng đầu của khu vực và toàn cầu. Nhờ vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tiên tiến và chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ, Singapore đã thu hút nhiều tập đoàn công nghệ lớn và trở thành trung tâm dữ liệu chủ chốt của Đông Nam Á.
Với hơn 70 trung tâm dữ liệu có tổng công suất 900MW, chiếm khoảng 60% năng lực hơn 1.300MW của cả Đông Nam Á, Singapore được xem là một trong những trung tâm dữ liệu lớn nhất thế giới.
Một yếu tố quan trọng khác là hạ tầng kết nối quốc tế vượt trội, đặc biệt là các tuyến cáp quang dưới biển kết nối Singapore với phần còn lại của thế giới. Với hơn 20 tuyến cáp quang dưới biển, quốc gia này có khả năng duy trì kết nối băng thông rộng và độ tin cậy cao, đáp ứng nhu cầu khổng lồ của các trung tâm dữ liệu về tốc độ truyền tải dữ liệu.
Nhu cầu về dịch vụ dữ liệu và lưu trữ tại Singapore tăng mạnh nhờ sự phát triển của kinh tế số, thương mại điện tử, và dịch vụ đám mây. Các công ty công nghệ như Google, Amazon Web Services (AWS), và Microsoft đã đầu tư mạnh vào Singapore để thiết lập các trung tâm dữ liệu khu vực. Các trung tâm này không chỉ phục vụ Singapore mà còn đáp ứng nhu cầu của các thị trường lớn như Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.
Đặc biệt, với sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ đám mây và AI, nhu cầu về khả năng lưu trữ và xử lý dữ liệu khổng lồ càng tăng cao. Các trung tâm dữ liệu tại Singapore đảm bảo cung cấp các dịch vụ này với độ trễ thấp và độ tin cậy cao, đồng thời hỗ trợ các ứng dụng công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (Big Data).
Theo dự báo, thị trường trung tâm dữ liệu tại Singapore sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) khoảng 7-10% trong giai đoạn 2021-2026.
Dịch vụ công là cốt lõi
Trong năm 2023, nền kinh tế số của Singapore đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp 17,3% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia, tương đương 106 tỷ SGD, tăng gần gấp đôi so với 58 tỷ SGD (13% GDP) vào năm 2017. Sự tăng trưởng này đã đưa Singapore lên vị thế hàng đầu trong lĩnh vực số hóa, so sánh với các nền kinh tế số khác như Estonia và Thụy Điển.
Một trong những thành công lớn của nền kinh tế số Singapore là việc phát triển dịch vụ công trực tuyến và chính phủ điện tử. Các dịch vụ như SingPass, MyInfo, và Định Danh Số Quốc gia - NDI (National Digital Identity) giúp người dân và doanh nghiệp thực hiện các giao dịch hành chính và tiếp cận dịch vụ công một cách dễ dàng và an toàn. Việc này không chỉ giúp tăng hiệu quả và tính minh bạch của chính phủ mà còn giảm thời gian và chi phí cho cả người dân lẫn doanh nghiệp.
Chẳng hạn, trước khi MyInfo ra đời, người dân Singapore khi thực hiện các thủ tục hành chính như mở tài khoản ngân hàng, đăng ký dịch vụ công hoặc nộp thuế, phải điền vào nhiều mẫu đơn khác nhau, lặp đi lặp lại thông tin cá nhân mỗi lần. Quá trình này không chỉ gây mất thời gian mà còn tạo ra sự phức tạp không cần thiết.
Nền tảng dịch vụ công số đã cho phép người dân chỉ cần nhập thông tin cá nhân một lần duy nhất. Thông tin này sau đó được lưu trữ an toàn trên hệ thống và có thể được tự động điền vào các mẫu đơn khác nhau, như khi người dân muốn mở tài khoản ngân hàng hoặc đăng ký vay mua nhà.
Tài chính cũng là lĩnh vực hưởng lợi nhiều nhất với MyInfo khi người dân Singapore chỉ cần vài cú nhấp chuột để mở tài khoản trực tuyến, so với quy trình kéo dài vài ngày như trước đây với hàng tá mẫu đơn và loạt giấy tờ khác nhau. Kết quả là, số lượng người sử dụng dịch vụ tài chính trực tuyến tại Singapore đã tăng mạnh, nhờ vào sự tiện lợi và tính hiệu quả mà hệ thống này mang lại.
Chiến lược Quốc gia Thông minh 2.0
Trong bối cảnh các mối đe dọa kỹ thuật số ngày càng gia tăng, từ tin giả, deepfake, lừa đảo trực tuyến cho đến sự gián đoạn của các trung tâm dữ liệu, chính phủ Singapore đã quyết định công bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia 2.0, còn gọi là Chiến lược Quốc gia Thông minh (Smart Nation) 2.0, tập trung vào ba trụ cột gồm: Tăng trưởng, Cộng đồng và Niềm tin.
Smart Nation 2.0 đặt mục tiêu thúc đẩy sự phát triển kinh tế và khai thác tiềm năng của công nghệ để cải thiện năng suất và mở rộng cơ hội cho người dân và doanh nghiệp. Singapore đang đầu tư mạnh vào trí tuệ nhân tạo (AI) và thúc đẩy các nghiên cứu liên ngành. Chính phủ Singapore cũng đặc biệt chú trọng vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) áp dụng công nghệ để cải thiện quy trình kinh doanh và tận dụng tối đa tiềm năng của AI.
Để tận dụng tối đa các lợi ích từ công nghệ, Smart Nation 2.0 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ dữ liệu cá nhân và an ninh mạng. "Bối cảnh kỹ thuật số ngày nay rất khác so với một thập kỷ trước", Thủ tướng Lawrence Wong phát biểu trong buổi công bố Smart Nation 2.0 ngày 1/10 vừa qua. Theo đó, Singapore sẽ thành lập một cơ quan để giải quyết những tác hại cấp bách nhất như bắt nạt trên mạng và quấy rối tình dục trực tuyến. Cơ quan mới sẽ đại diện thay mặt cho các nạn nhân đấu tranh với những kẻ phạm tội và nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến.
Ông Wong cho biết một mối lo ngại khác liên quan đến sự gia tăng của tin giả, deepfake, vốn đã trở nên phổ biến hơn với những đột phá của AI tạo ra. Singapore sẽ yêu cầu một số dịch vụ truyền thông xã hội ban hành các biện pháp để ngăn chặn việc lạm dụng nội dung bị thao túng kỹ thuật số.
Một thập kỷ kể từ sau Chiến lược Quốc gia Thông minh 2014, Singapore được xếp hạng là một trong những quốc gia có cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cao nhất toàn cầu, với một trong những trung tâm dữ liệu lớn nhất trong khu vực.
Kết quả của chuyển đổi số đã được thể hiện rõ ràng nhất trong thời kỳ đại dịch, khi Singapore hoàn thành thiết lập hệ thống đặt lịch tiêm vắc-xin trong vòng chưa đầy một tháng và tạo điều kiện tiêm chủng cho hơn 90% dân số trong một năm.
Những nỗ lực số hóa này đã trở thành mô hình cho các nền kinh tế trong khu vực. Tại các sân bay, Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên cung cấp dịch vụ thông quan nhập cảnh không cần hộ chiếu, trong khi việc sử dụng các hệ thống sinh trắc học đã thúc đẩy các quốc gia như Malaysia và Thái Lan triển khai dịch vụ thông quan tương tự. Thậm chí, Nhật Bản đã xem xét học hỏi Singapore từ chương trình nhận dạng kỹ thuật số quốc gia Singpass.
(Theo Nikkei, ASEAN Briefing, R&M)