Sáng 15/1 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam tổ chức Hội nghị quốc tế "Nhiệm vụ Bảo tồn và Phát huy ý nghĩa của các di sản văn hóa được UNESCO công nhận". Ông Nguyễn Xuân Thắng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, ông Geogre Christophides – Chủ tịch danh dự Liên hiệp UNESCO thế giới và ông Michael Croft – Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, điều phối và chủ trì hội nghị.
Hội nghị có 21 tham luận do các diễn giả đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới như CH Síp, Nga và Hàn Quốc,...cùng các chuyên gia từ nhiều tỉnh thành có di sản văn hóa như Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Bạc Liêu.
Hội nghị bàn về những vấn đề liên quan đến sự nghiệp bảo tồn di sản – vốn là mối quan tâm chung hiện nay của các quốc gia, đồng thời cũng là một trong những tiêu chí quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững và hình thành những chuẩn mực căn bản của nền đạo đức toàn cầu.
Hội nghị có 21 tham luận do các diễn giả đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới |
Danh hiệu UNESCO là chất xúc tác cho sự nghiệp bảo tồn văn hóa
Ông Nguyễn Xuân Thắng chia sẻ, là một tổ chức phi chính phủ hoạt động theo tiêu chí UNESCO, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam luôn coi việc động viên khuyến khích hội viên của mình và kêu gọi cộng đồng tham gia vào các hoạt động bảo tồn các di sản quốc gia, đặc biệt là đối với các di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của tổ chức.
“Chúng tôi hiểu rằng mang danh hiệu UNESCO - đó không phải là mục tiêu mà chính là chất xúc tác tích cực góp phần định hướng cho sự nghiệp bảo tồn văn hóa của các quốc gia. Ý nghĩa đích thực mỗi di sản văn hóa sau khi được UNESCO công nhận không chỉ dừng lại ở chiếc bằng chứng nhận của UNESCO mà đó là một khối lượng công việc to lớn liên quan đến chính sách, đầu tư và vận động xã hội để phát huy ý nghĩa và giá trị của các di sản phục vụ cho các các mục tiêu mang tính nhân văn, hướng thượng của đời sống”, ông Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại sự kiện.
Di tích cố đô Huế. |
Bà Tatiana Bogina - Ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp các Trung tâm và Câu lạc bộ UNESCO Ural-Siberia Liên bang Nga cho rằng, một công cụ độc đáo để hợp tác quốc tế là các đề cử có tính xuyên quốc gia của các đối tượng trong Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO. Bà Tatiana Bogina cũng cho rằng, việc quảng bá các đối tượng có trong danh sách Di sản thế giới của UNESCO có tầm quan trọng tương đương với việc bảo vệ và bảo tồn.
“Điều này không chỉ quan trọng đối với các vật thể thông thường, mà ở mức độ lớn hơn đối với các vật thể mang tầm quốc gia, để giúp mọi người sống trên hành tinh đều có thể tiếp cận, để cho phép khách du lịch nước ngoài hiểu được “linh hồn” và “tinh thần” quốc gia của một tượng đài cụ thể, liên kết họ đến với lịch sử và khám phá các đặc điểm dân tộc về truyền thống, tín ngưỡng và phong tục của một quốc gia khác. Nếu suy ngẫm, thì việc hiểu chính xác cái gì đang được lưu giữ trở thành lý do chính cho việc bảo tồn chính nó. Trong thực tế, thật đáng tiếc, thậm chí nhiều người dân địa phương không biết rằng họ đang sống gần với các vật thể độc đáo. Từ sự thiếu hiểu biết, họ đã đối xử với vật thể không đúng tầm. Và, không có sức mạnh nào có thể khiến họ yêu và thay đổi thái độ đó, ngoại trừ kiến thức”, bà Tatiana Bogina chia sẻ.
Bà Tatiana Bogina thông tin thêm, Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam và Liên hiệp các trung tâm và câu lạc bộ UNESCO của Ural-Siberia đã triển khai dự án bộ sách “Kho báu quốc gia của Việt Nam”. Cuốn sách đầu tiên giới thiệu cố đô Việt Nam - thành phố Huế và Thành cổ nổi tiếng của triều đại cuối cùng của các hoàng đế nhà Nguyễn - đối tượng đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận và bảo vệ.
Bà Tatiana Bogina khẳng định, khi mỗi người, cộng đồng xã hội, nhà nước hiểu được tính độc đáo, ý nghĩa và đặc điểm không thể thay thế của từng đối tượng, các vấn đề bảo vệ, bảo tồn và quảng bá di sản sẽ được quyết định ở một cấp độ hoàn toàn khác.
Muốn bảo tồn cần minh định giá trị di sản
Ông Phạm Trung Tuyến, Phó Giám đốc VOV Giao Thông Việt Nam cho rằng các di sản chỉ có giá trị khi nó chứa đựng thông tin của quá khứ. Các di sản cần được bảo tồn bởi thông qua nó người ta có thể biết được các thông tin khoa học về lịch sử, văn hóa, đời sống, kinh tế của người xưa.
Thánh địa Mỹ Sơn. |
“Vậy thì có thực sự cần thiết hay không khi mà chúng ta bảo tồn cực đoan cả một ngôi làng, một khu phố khi mà đã tìm hiểu đầy đủ thông tin mà nó ẩn chứa, và giá trị sử dụng của nó không còn phù hợp với đời sống của chủ nhân? Tôi cho rằng việc bảo tồn đối với những di sản đó chỉ nên dưới hình thức bảo tàng, để lưu giữ, chứ không nên tạo ra sự xung đột không đáng có khi buộc những con người sống phải bảo tồn chính đời sống, với những nhu cầu phát triển của họ.
Một khi di tích chết như thánh địa Mỹ Sơn không giống với một đô thị sống như phố cổ Hội An. Hoàng thành Thăng Long và khu 36 phố phường Hà Nội cũng thế. Bảo tồn nguyên trạng một quần thể kiến trúc không còn giá trị sử dụng là điều có thể, nhưng bảo tồn nguyên trạng đời sống của một cộng đồng lại là điều bất nhân, bởi nó tước đi quyền được sống và phát triển của cộng đồng đó”, ông Phạm Trung Tuyến phát biểu.
Ông Phạm Trung Tuyến cho rằng, thiếu sự minh định về giá trị của di sản là nguyên nhân dẫn đến những hiểu lầm về mục đích bảo tồn, tạo nên những xung đột lợi ích không đáng có, và khiến truyền thông trở nên bối rối.
Tình Lê