Chỉ trong ít ngày qua, liên tục những vụ lừa đảo đặt phòng ở Đà Lạt (Lâm Đồng) xảy ra khiến du khách hoang mang. Sự phát triển của mạng xã hội khiến việc kẻ lừa đảo biến mất quá dễ dàng. Bên cạnh đó, sự cả tin của du khách cũng giúp chúng thuận tiện hơn trong việc thực hiện hành vi xấu xa.
Lừa combo giá rẻ
Theo bà Hoàng Tuyết, Giám đốc Top One Travel, du khách cần là một người tiêu dùng thông thái.
Hiện nay, khách du lịch có nhiều công cụ để so sánh giá. Ví dụ, website này bán giá rẻ hơn vài trăm nghìn đồng so với website kia. Vậy chẳng tội gì họ phải đặt dịch vụ ở nơi đắt.
"Đừng nhìn những mức giá rẻ bất ngờ rồi bị hấp dẫn ngay lập tức. Bạn cần có sự so sánh mức sàn chung. Nếu giá quá rẻ, hãy đặt ra nghi vấn", bà Tuyết nói.
Mùa hè là cao điểm của những vụ lừa đảo khách du lịch. Ảnh: Thạch Thảo. |
Bà Tuyết cũng kể mình từng nghe về đối tượng lừa đảo mời mọc các đại lý mua voucher vé máy bay một triệu đồng/chiều với nhiều lựa chọn điểm đến, thời gian linh động. Với những mức giá sốc ngoài tưởng tượng này, 99% là lừa đảo.
Dĩ nhiên, trong một số trường hợp, giá có thể sốc. Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc AZA Travel, có những người chuyên đi thu mua voucher được tặng từ khách hàng mua nhà, dự án, xe cộ. Do đó, bạn có thể sở hữu voucher giá rẻ bất ngờ so với mức sàn. Tuy nhiên, mức giá này khó có thể đến tay người dùng bởi họ thường bán lại cho các công ty, đại lý.
Tạo trang ảo rồi biến mất
Chiêu trò này khá phổ biến ở Đà Lạt - nơi có lượng homestay tự phát cao. Phòng Văn hóa Thông tin của thành phố khá đau đầu với vấn đề này bởi nhiều người bị mất tiền oan.
Thủ đoạn của chúng khá đa dạng. Từng có trường hợp một homestay đã đóng cửa nhưng chủ cũ không khóa trang mạng xã hội lại. Người này thỉnh thoảng lại mở lên, nhận khách. Sau khi cầm tiền, đối tượng lừa đảo lại khóa trang rồi biến mất.
The Naked Soul - một homestay đã đóng cửa ở Đà Lạt - thỉnh thoảng lại "ngoi" lên lừa khách. Ảnh: Cổng thông tin du lịch Đà Lạt. |
Một số lại kỳ công hơn khi xây dựng hình ảnh trang cá nhân đẹp có lượt thích, theo dõi cao. Điều này đánh vào tâm lý "kiểm tra uy tín" dựa trên độ phổ biến của khách hàng. Thông thường, du khách hay xem trang có nhiều lượt thích không để đánh giá độ phổ biến, uy tín.
Tuy nhiên, lượt thích ảo hoàn toàn có thể mua được. Mới đây, ít nhất 4 du khách đã bị lừa với số tiền khoảng 3-5 triệu đồng/người khi đặt cọc cho trang Booking VILLA DALAT (có tới hơn 40.000 lượt thích). Đối tượng nhận tiền xong cũng biến mất, mặc khách tới nơi mới biết không có phòng.
Tốt nhất, du khách nên kiểm tra phần bình luận để xem tương tác thật không. Khi kiểm tra bình luận, du khách cũng nên để ý các tài khoản bình luận là thật hay chỉ mới được lập.
Sử dụng hóa đơn giả
Chiêu trò này khá đơn giản nhưng lại rất thuyết phục. Theo ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing của Best Price, các chứng từ, hóa đơn thanh toán bản mềm khá dễ kiếm trên mạng. Kẻ lừa đảo chỉ cần tải về, chỉnh sửa để gửi cho khách làm tin khi đặt vé máy bay, khách sạn.
Sử dụng các hóa đơn giả từ công ty lớn là việc làm khá dễ dàng. Ảnh: Best Price. |
Khi khách đến nơi, đọc mã đặt chỗ/phòng mới ngớ người phát hiện bị lừa. Bản thân công ty Best Price cũng đã gặp trường hợp bị làm giả hóa đơn thanh toán để lừa khách. Điều này không chỉ gây hại cho khách hàng mà cả danh tiếng của công ty.
Đại diện AZA Travel gợi ý du khách nên xem xét kỹ mã số chuyến bay trên các hóa đơn. Mỗi mã số chuyến bay thường tương ứng với chặng nhất định. Ví dụ, chặng đi Đà Lạt và chặng đi Hà Nội của một hãng không thể giống nhau về mã được. Tuy nhiên, chi tiết này đòi hỏi sự am hiểu của du khách.
Trong trường hợp đối tượng làm giả tỉ mỉ cả việc thay đổi mã đặt chỗ, cơ hội phát hiện là khá thấp.
Tour lùa gà
Đây là trò lừa đảo phổ biến với khách đi nước ngoài. Kẻ lừa đảo lợi dụng sự thiếu hiểu biết về điểm đến để "moi tiền" du khách. Có thể, du khách vẫn sẽ được khởi hành nhưng lịch trình và những điều hứa hẹn trong tour sẽ không có.
Ví dụ, thời gian vừa qua, nhiều du khách Việt quan tâm đến du lịch Ấn Độ. Tuy nhiên, Ấn Độ thời điểm đó đang trải qua đợt nắng nóng nhất trong năm. Việc du lịch với lịch trình dày trong thời tiết đó chẳng khác cực hình.
Nhiều tour "lùa gà" nhắm vào khách du lịch nước ngoài. Ảnh: Output Mag. |
Hay vào tháng 8 năm ngoái, một du học sinh Việt tại Đức cũng bị bóc phốt vì nói dối mình đã chinh phục nhiều đỉnh núi khó ở Nepal. Thậm chí, người này còn nói mình đã dẫn nhiều người "leo núi chui" - một việc rất khó xảy ra tại Nepal.
Theo nhiều người trong giới leo núi, du học sinh này đã đăng nhiều bài quảng cáo về tour leo núi và kinh nghiệm của mình. Việc nói dối giúp tăng uy tín để dễ "lùa gà". Nhưng thực tế, những người kiểu này không có kinh nghiệm và còn có thể gây nguy hiểm cho du khách.
Nhìn chung, khi đặt một tour nước ngoài, du khách nên kiểm tra thông tin về điểm đến và tham khảo trên các hội nhóm. Việc tin 100% vào những lời quảng cáo có thể khiến bạn thất vọng khi tới nơi.
(Theo Zing)