Ngày 28/12, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương hợp tác với Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) cùng tiến hành tổ chức hội thảo "Phát triển công nghiệp ở Việt Nam". Trong đó, nội dung "Dự án phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam" đã nhận được rất nhiều ý kiến, bình luận từ các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.
Trong buổi hội thảo, TS. Yasushi Ueki, đại diện của IDE-JETRO cho rằng sức tiêu thụ của thị trường ô tô hàng năm của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 1 triệu xe vào đầu những năm 2030. Để sản lượng sản xuất hàng năm có thể đạt 1 triệu xe, điều này tùy thuộc vào khả năng cạnh tranh giữa phân khúc xe nhập khẩu nguyên chiếc và xe sản xuất lắp ráp trong nước.
"Chính vì vậy, điều kiện cần thiết để phát triển ngành công nghiệp ô tô là đạt được hiệu quả kinh tế theo quy mô trong sản xuất phụ tùng và linh kiện của ngành công nghiệp ô tô, hay nói cách khác là phải đạt tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành phụ tùng/linh kiện ô tô", ông nói.
TS. Yasushi Ueki cũng đưa ra một số chính sách khuyến nghị như hỗ trợ kỹ thuật cho các nhà cung cấp địa phương tiềm năng, cải thiện cơ sở hạ tầng đường bộ và phát triển thành phố thông minh cũng như sử dụng hiệu quả các cơ chế thuế.
Phát biểu tại hội thảo, ông Fusanori Iwasaki, đại diện ERIA chỉ ra chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam nên học hỏi từ Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Hiện nay, tổng doanh số ô tô bán ra trong nước hàng năm mới đạt ngưỡng khoảng hơn 400.000 xe. Con số này mới chỉ tương đương với Thái Lan và Malaysia trong những năm 1990 và Indonesia vào giữa những năm 2000.
Những gì mà Việt Nam có thể học hỏi được từ 3 quốc gia này là sự hỗ trợ đắc lực của Chính phủ cùng các chính sách phát triển công nghiệp ô tô một cách đồng bộ. Bên cạnh đó là lựa chọn phân khúc, mẫu xe chiến lược đi kèm các ưu đãi hấp dẫn cho người tiêu dùng và nhà sản xuất trong nước.
Cũng theo đại diện ERIA, quá trình điện khí hóa phương tiện là xu thế tất yếu không thể đảo ngược do nhu cầu lâu dài đối với các phương tiện tiết kiệm năng lượng và ít khí thải gây ô nhiễm.
Tuy nhiên, quá trình này cần có lộ trình như chuyển dần sang dòng xe BEV dựa trên mức giảm các chi phí liên quan và đặt mục tiêu doanh số bán xe dựa trên hệ truyền động, cụ thể HEV+PHEV+BEV sẽ chiếm 50% doanh số vào năm 2035 và tăng lên 77% vào năm 2040.
Đưa ra nhận định về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế nhấn mạnh công nghiệp ô tô là động lực phát triển kinh tế ở Việt Nam khi giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực, cũng như hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Việc làm chủ nền kinh tế số sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững trong giai đoạn phát triển tiếp theo, giúp Việt Nam nâng cấp toàn diện chuỗi giá trị bao gồm nâng cấp sản phẩm, nâng cấp quy trình, nâng cấp chức năng và nâng cấp công nghiệp, từ đó chuyển dịch từ trung gian lắp ráp sang các nhà sản xuất địa phương.
TS. Thành nói thêm: "Phát triển ngành công nghiệp ô tô giờ không chỉ đơn thuần là tạo ra ô tô mà phải tạo ra một phương tiện di chuyển thông minh luôn đòi hỏi đổi mới về công nghệ". Vì vậy, muốn đáp ứng được điều này, ngành công nghiệp ô tô phải có được dung lượng tiêu thụ xe trên 600.000 xe/năm, trở thành trung tâm phát triển linh phụ kiện cung ứng cho khu vực cũng như toàn cầu, và cuối cùng phải thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đặc biệt là công nghệ lõi.
Ngoài nội dung "Dự án phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam", các đại biểu đã cùng đưa ra những tham luận nhằm chia sẻ, kiến nghị các định hướng về xây dựng pháp luật liên quan đến phát triển công nghiệp; định hướng phát triển công nghiệp gắn với chuyển đổi số… Đồng thời nhận định, trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp trọng điểm như ô tô, điện tử.
Ngô Minh