Những ngày này, nền nhiệt trên cả nước tăng cao, đặc biệt là khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh. Trời nắng nóng, cùng với sự xuất hiện của gió Lào (gió phơn Tây Nam) làm cho nhiều nơi nhiệt độ lên tới 40 độ C, việc lao động sản xuất bị ảnh hưởng.
Mưu sinh trong nắng nóng
Khoảng 10h trưa, đường sá ở thị xã Hồng Lĩnh đã vắng người qua lại. Những người bắt buộc phải ra ngoài đều trùm kín từ đầu đến chân.
Để tránh cái nắng cháy da cháy thịt, những gia đình có điều kiện ở nhà đóng cửa, bật điều hoà từ sáng đến đêm. Còn ở các làng quê, người dân tìm đến những gốc cây cổ thụ có tán lá rộng để tránh nóng, hoặc tụm 5 tụm 3 dọc bờ sông để hóng mát.
Thời gian lao động, sản xuất được thay đổi cho phù hợp với điều kiện thời tiết. Khi ông mặt trời chưa ló, người dân đã tranh thủ ra đồng làm việc. Buổi chiều, chờ cái nắng dịu xuống họ mới đi làm và trở về nhà khi trời đã nhá nhem tối.
Mặc dù không trực tiếp đối diện với ánh nắng mặt trời nhưng những người thợ rèn tại làng nghề Trung Lương (thị xã Hồng Lĩnh) lại phải mưu sinh bên những bể than rực lửa.
Bất kể nắng nóng thế nào, nhiệt độ cao đến đâu, họ vẫn phải ngồi cạnh lò than để nung thép, quai búa sản xuất dao, rựa và nông cụ phục vụ người dân.
Đã hơn 30 năm nay, anh Lê Thanh Hải (SN 1978, trú tại Tân Miếu, phường Trung Lương) gắn bó với nghề thợ rèn truyền thống của gia đình. Mùi của than, hơi nóng của bếp lò, âm thanh của búa máy như ngấm vào da thịt, trở thành một phần của cuộc sống khiến anh không dứt ra được.
Anh Hải cho biết, do nhà nghèo nên năm 14 tuổi anh phải nghỉ học để đi làm thuê kiếm tiền phụ gia đình. Khi đã thành thạo công việc quai búa và có chút vốn liếng, anh trở về nhà mở lò tự làm.
Theo anh Hải, bình quân mỗi ngày anh ngồi cạnh lò than từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ để nung thép đánh dao.
Những ngày nắng nóng, anh bắt đầu công việc từ lúc 5h sáng. Do nền nhiệt cao, cộng với hơi nóng của lò than khiến nhiệt độ tại vị trí làm việc lên đến 60 - 65 độ C. Người anh lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi.
Giữ nghề truyền thống
Để làm ra một con dao phải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên là cắt sắt, đưa vào lò nung thật đỏ rồi cho búa máy đập thành hình dao, sau đó dùng mẫu vạch lên rồi cắt. Tiếp theo, người thợ cho dao vào lò nung nóng rồi đập cho thật phẳng, thật bóng rồi mài mép, tra cán, mài tinh.
Đối với loại dao dùng để thái thịt thì phải cho thêm thép cáp để làm phần lưỡi, khiến cho độ sắc được lâu.
Theo anh Hải, mỗi ngày hai vợ chồng làm được 30 con dao, trừ chi phí còn lại khoảng 500.000 đồng. Nếu đi làm ngoài, riêng anh có thể kiếm được 400.000 đồng/ngày. Nhưng anh vẫn làm thợ rèn, trước là giữ nghề, sau là có thời gian chăm sóc con cái, chăn nuôi, làm đồng ruộng. Khoảng 15 năm nay, công việc có búa đập bằng máy nên giải phóng được sức lao động, tăng năng suất lên nhiều lần.
Lau vội những giọt mồ hôi đang túa ra khắp mặt, anh Hải tâm sự: “Công việc thợ rèn rất vất vả, thu nhập lại thấp, môi trường ít nhiều độc hại, tên gọi lại không được sang trọng nên nhiều thanh niên không nối nghiệp cha ông mà bỏ đi làm công nhân trong miền Nam. Nghề rèn tại làng Trung Lương có nguy cơ bị mai một. Sau này, khi thế hệ chúng tôi qua đời, nghề rèn mấy chục năm tồn tại cũng chấm hết”.
Phường Trung Lương hiện có 104 hộ làm nghề rèn truyền thống, trong đó tổ dân phố Tân Miếu có 40 hộ. Có một hộ tham gia sản phẩm OCOP và đã được công nhận tiêu chuẩn 3 sao.