Âm nhạc nửa vời, MV bạo lực
Trong MV Ngôi sao cô đơn phát hành tối 19/7, Jack vào vai Jack Junior - một tay tội phạm có tính cách thất thường, hành vi khó đoán. Anh cố ý để lại dấu vết cho cảnh sát đến bắt mình nhưng kết MV mở được cho là hé lộ một kế hoạch khác.
MV Ngôi sao cô đơn có thể gọi là sự lột xác của Jack. Anh khoác một "chiếc áo" mới từ âm nhạc đến hình ảnh.
Giai điệu, bản phối và hình ảnh của bài Ngôi sao cô đơn khiến cộng đồng người yêu nhạc US UK liên tưởng đến MV Blinding lights đình đám của The Weeknd. Một bài viết trên diễn đàn chỉ ra điểm tương đồng giữa hai sản phẩm nhanh chóng thu hút 40 nghìn lượt tương tác.
Hình ảnh và câu chuyện trong MV có hơi hướng nổi loạn, bạo lực. Sau khi cướp ngân hàng, nhân vật Jack Junior lái xe quá tốc độ, dùng gậy bóng chày tấn công một gã đàn ông vũ phu rồi đập vỡ kính xe tên này. Anh ngông cuồng thách thức cảnh sát, dùng súng và bom khói tấn công đáp trả khi bị bao vây.
Đầu MV, ê-kíp chú thích đây là sản phẩm lấy cảm hứng từ một tác phẩm nổi tiếng, nội dung hư cấu. Cuối MV, tiểu sử nhân vật Jack Junior mới được tiết lộ là lãnh đạo của một nhóm người trẻ chuyên săn tìm cổ vật.
Thông điệp mờ nhạt, "bù đắp" bằng chú thích?
Nội dung MV gây tranh cãi ngay từ những giờ phát hành đầu tiên. Trong thông cáo gửi đến báo chí, ê-kíp của Jack viết: "Jack hoá thân vào nhân vật có tên Jack Junior với tính cách khác người, xuất thân từ một băng nhóm chuyên săn lùng và truy tìm cổ vật. Jack Junior gây ra những vụ cướp để lấy tiền của người giàu chia cho những người yếu thế trong xã hội. Tuy nhiên, trong hành trình “làm loạn” nhưng đầy trượng nghĩa ấy, Jack Junior luôn cố ý để lại dấu vết để dẫn lối cho cảnh sát".
Điều đáng nói, nếu chỉ xem MV, khán giả hoàn toàn không thể nhận ra mặt tích cực trong tính cách của nhân vật hay yếu tố "đầy trượng nghĩa" ở đâu trong MV này. Thay vào đó, về phần nhìn, hình ảnh của Jack thuần túy hiện lên là một tay tội phạm lập dị, cổ quái.
MV là loại hình sản phẩm kết hợp âm nhạc (music) và hình ảnh (video). Trường hợp MV không thể hiện rõ ràng, đầy đủ ý nghĩa, thông điệp qua hai phương thức này mà phải diễn dịch bằng thông tin bên lề, sản phẩm có thể được đánh giá là yếu tính truyền tải.
Bên cạnh đó, cần thống nhất rằng ngay cả với tác phẩm hư cấu, việc truyền tải thông điệp không rõ ràng có thể dẫn đến nhầm lẫn rằng sản phẩm cổ xúy hành vi bạo lực, phạm pháp. Bởi, một nhân vật tội phạm "cướp của người giàu, chia cho người yếu thế" không thể ca ngợi là anh hùng, trượng nghĩa.
Sơn Tùng M-TP và Jack khai thác yếu tố bạo lực, nổi loạn trong MV.
So sánh với MV There is no one at all bị yêu cầu thu hồi và tiêu hủy của Sơn Tùng M-TP cách đây không lâu, yếu tố bạo lực trong MV Ngôi sao cô đơn của Jack càng khó thể được chấp nhận, đồng cảm.
Câu chuyện và thông điệp trong MV của Sơn Tùng M-TP rất rõ, đó là một cậu bé mồ côi lớn lên trong cảnh thiếu thốn tình thương. Cậu bị bạn học bắt nạt, bị xã hội cô lập, ruồng rẫy đến mức không thể nhìn thấy tương lai, dẫn đến kết thúc tiêu cực.
Trái ngược, nhân vật trong MV của Jack chuyên thực hiện tội phạm, sử dụng bạo lực một cách tùy hứng và ngông cuồng thách thức pháp luật. Một vài phân cảnh, Jack cố khắc họa nội tâm cô đơn của nhân vật ẩn trong vỏ bọc bạo lực, nổi loạn. Dù vậy, thông điệp của MV vẫn hoàn toàn mờ nhạt.
Ngô nghê, hời hợt
Jack nỗ lực lột xác, làm mới bản thân nhưng thất bại vì nửa vời. Bên trong "chiếc áo" hòa âm synth-pop điện tử màu sắc thập niên 1980, Jack giữ nguyên từ phong cách sáng tác đến cách luyến láy, phát âm đặc trưng của mình, tạo thành một tổng thể mâu thuẫn.
Motif MV bạo lực, nổi loạn không hiếm, đặc biệt ở thị trường US UK, nhưng vấn đề cốt lõi trong MV Ngôi sao cô đơn của Jack là cách khai thác hời hợt, thiếu chiều sâu.
Jack thể hiện sự nổi loạn giống hầu hết sản phẩm của nghệ sĩ quốc tế từng làm một cách hời hợt, bề mặt hơn. Diễn xuất của anh ngô nghê, từng cú đập phá, cách anh cười, di chuyển, chạy trốn... gợi tưởng đến MV Blinding lights của The Weeknd hay nhân vật Joker nhưng sáo rỗng.
Toàn bộ MV cho thấy dường như Jack đã cố thể hiện một phong cách không phù hợp với mình. Vì vậy, càng cố tỏ ra nổi loạn, điên cuồng, phần thể hiện của Jack trong MV càng trở nên kỳ quặc. Trong khi đó, những cảnh quay lột tả sự cô đơn - nội dung lõi và tiêu đề của sản phẩm - lại không được thể hiện rõ, lạc lõng giữa MV.
Ngay cả khi yếu tố bạo lực là hư cấu như ê-kíp chú thích đầu MV, tựu trung, sản phẩm vẫn không làm bật lên ý nghĩa, thông điệp nào hay đọng lại giá trị gì.
Khán giả Thiên Bình (sinh năm 1988, TP.HCM) chia sẻ với VietNamNet, chị thất vọng về sản phẩm trở lại của Jack. Khán giả này nói: "Nếu không xem MV, tôi không hiểu lời bài hát của Jack liên quan gì đến tựa đề. Quan trọng hơn, tôi nhiều lần giật mình vì những cảnh bắn nhau. Nhất là cảnh Jack cầm súng vừa cười khoái chí khiến tôi lo sợ những đứa trẻ thấy được cảnh này. Gần đây, tình hình phạm tội độ tuổi vị thành niên ngày càng phổ biến, hình ảnh này liệu có vô tình cổ xúy thêm? Tóm lại, đây là một MV đầy hình ảnh bạo lực, không có ý nghĩa gì, thật tiếc vì đã bỏ ra 5p45' để xem nó".
Trao đổi với VietNamNet, nhà thơ, nhà phê bình Nguyễn Phong Việt cho rằng khi phần nhiều MV cổ trang hoặc thanh xuân không còn sức hút thì việc một MV khai thác yếu tố bạo lực khá dễ hiểu vì lôi kéo được sự chú ý của dư luận.
Theo anh, hình tượng của Jack trong MV góp nhặt nhiều dấu ấn từ bộ phim Joker nổi tiếng của Mỹ. Dù vậy, diễn xuất của Jack không đặc sắc hay có điểm nhấn, dễ bị trôi tuột với người xem.
"Motif MV bạo lực ở Việt Nam vẫn còn mới mẻ, chưa kể phần âm nhạc không có gì đặc biệt nên tập trung khai thác câu chuyện trong MV là giải pháp duy nhất của ê-kíp để gây sự chú ý. Tuy nhiên, có thể nói phần bạo lực trong MV này rất mạnh và nặng, tốt nhất nên dán nhãn 18+ cho sản phẩm", anh cho hay.
MV 'Ngôi sao cô đơn' - Jack
Lê Thị Mỹ Niệm