Nhà mạng Trung Quốc đang đặt cược vào 5G
Triển lãm Di động Thượng Hải - MWC Thượng Hải 2023 được tổ chức từ ngày 27/6 đến 30/6 được xem là cuộc trình diễn về công nghệ 5G và 5,5G. Các công ty công nghệ đã trình diễn nhiều giải pháp và dịch vụ trên nền tảng công nghệ này tập trung vào các ngành như: khai khoáng, đô thị thông minh, nhà máy thông minh, giao thông thông minh, ứng dụng thực tế ảo...
Ông Wen Ku, Chủ tịch Hiệp hội Tiêu chuẩn Truyền thông Trung Quốc cho biết, kể từ khi bắt đầu triển khai vào năm 2019, 5G đã thay đổi cả cuộc sống hàng ngày của người dùng và chính ngành viễn thông. Người nông dân có thể livestream và quảng bá sản phẩm của họ chỉ bằng một chiếc điện thoại.
Sau khi triển khai 5G các nhà mạng lớn của Trung Quốc đã báo cáo con số tăng trưởng với tốc độ chóng mặt. China Mobile đã báo cáo doanh thu dịch vụ viễn thông tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái với doanh thu trung bình trên mỗi người dùng di động (ARPU) tăng 0,4% lên 6,9 USD. China Telecom cũng báo cáo doanh thu dịch vụ truyền thông di động tăng 3,7% hàng năm với ARPU di động tăng 0,4% lên 6,3 USD, trong khi China Unicom chứng kiến ARPU di động tăng 3 năm liên tiếp lên 6,2 USD.
Các nhà khai thác Trung Quốc đã tận dụng các khả năng khác nhau của 5G để khám phá các mô hình kinh doanh và nguồn doanh thu mới ngoài các dịch vụ viễn thông truyền thống.
Tính đến tháng 4/2023, Trung Quốc đã xây dựng hoặc nâng cấp hơn 2,7 triệu trạm BTS 5G, chiếm 24,5% tổng số trạm BTS di động trên toàn quốc. Một con số thống kê vào tháng 9/2022, Trung Quốc có 500 triệu người dùng 5G, tương đương khoảng 35% dân số. Việc triển khai mạng 5G nhanh chóng của các nhà khai thác cũng đã chứng kiến tỷ lệ chấp nhận gói đăng ký 5G cao của người tiêu dùng. Đến cuối quý 1/2023, số lượng thuê bao 5G tại quốc gia này đã tăng lên khoảng 1,2 tỷ, tăng hơn 40% so với khoảng 850 triệu thuê bao 5G tính đến tháng 3/2022. Tỷ lệ thâm nhập thuê bao 5G chiếm 60% trên toàn quốc tất cả các nhà khai thác.
Ông Cao Ming, Chủ tịch Dòng sản phẩm mạng không dây của Huawei cho biết, chỉ mất 3 năm để 5G đạt được mức độ chấp nhận ở Trung Quốc mà 4G phải mất 6 năm. Huawei hiện đang nghiên cứu 5.5G - đây là cấp độ tiếp theo của công nghệ với tốc độ tăng gấp 10 lần so với các mạng 4G hiện có.
“5G đã thay đổi cuộc sống và công việc của mọi người, đồng thời trở thành động lực quan trọng để phát triển nền kinh tế kỹ thuật số, giúp các nhà khai thác đạt được thành công trong kinh doanh. Huawei sẽ hợp tác với ngành để tăng tốc đổi mới và biến 5.5G thành hiện thực”, ông Cao Ming nói.
Ông Jim Cathey, Giám đốc điều hành của Qualcomm dự đoán 5G sẽ được coi là khoản đầu tư công nghệ tốt nhất bởi tiềm năng của công nghệ này mang lại. Ông Cathey lập luận rằng 5G tỏ ra cần thiết trong đại dịch Covid-19, đồng thời là chất xúc tác chính trong quá trình phát triển các mô hình AI tổng quát và đặt nền móng cho 6G.
“Thực sự không có ngành nào không bị ảnh hưởng tích cực bởi 5G và AI. Các công nghệ sẽ mở ra những cánh cửa mà chúng ta chưa từng thấy trước đây. Nó sẽ cải thiện doanh thu cho các nhà mạng và tăng trải nghiệm của khách hàng” ông Cathey nói.
Tương lai sẽ là 5.5G
Ngày 27/6, Diễn đàn đổi mới và phát triển 5G được tổ chức trong khuôn khổ MWC Thượng Hải 2023. Trong diễn đàn, Nhóm xúc tiến IMT-2020 (5G) và các đối tác chuỗi công nghiệp truyền thông đã cùng nhau đưa ra sáng kiến "Cùng nhau xây dựng sự thịnh vượng sinh thái 5G", để thúc đẩy phát triển và đổi mới 5G trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đẩy nhanh việc sử dụng 5G-A thương mại, và giúp nền kinh tế số châu Á-Thái Bình Dương cất cánh.
Là cơ sở hạ tầng mới đầu tiên hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số, 5G đã được triển khai nhanh hơn bất kỳ thế hệ công nghệ truyền thông di động nào trước đây kể từ khi được sử dụng thương mại trong bốn năm qua và trở thành một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của nền kinh tế số.
Tại diễn đàn này, ông Cao Ming đã có bài phát biểu quan trọng với tựa đề “Nắm bắt cơ hội mới để phát triển 5G và kích thích động lực mới cho sự trỗi dậy của 5.5G”.
Theo ông Cao Ming cho rằng, 5G đã thay đổi cuộc sống và công việc của tất cả mọi người và đã trở thành một động lực quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế số, cho phép các nhà khai thác đạt được thành công trong kinh doanh.
Sự phát triển của 5G sẽ bước vào một giai đoạn mới của sự phát triển nâng cấp và hội tụ ngành. Ba đến năm năm tới sẽ là giai đoạn quan trọng đối với việc mở rộng các ứng dụng 5G ở Trung Quốc và thậm chí trên toàn thế giới. Phát triển 5G đang đối mặt với những cơ hội và nhiệm vụ chiến lược mới.
Ông Cao Ming cho biết: “5G đã thay đổi cuộc sống và công việc của mọi người, đồng thời trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số, giúp các nhà khai thác kinh doanh thành công. 5G đã kết nối con người, kết nối vạn vật, kết nối phương tiện, kết nối các ngành công nghiệp, kết nối các ngôi nhà và kết nối các cảm biến”.
Việc nâng cấp liên tục hoạt động kinh doanh đã mang lại động lực mới cho ngành công nghiệp di động để nhảy vọt lên 5.5G. Huawei sẽ thúc đẩy đổi mới cùng với ngành và đưa 5.5G thành hiện thực. Sự phát triển nhanh chóng của 5G đã đưa ngành công nghiệp di động lên một tầm cao mới, trải nghiệm mới 5G và các ứng dụng mới thúc đẩy nâng cấp tiêu dùng của khách hàng.
Chia sẻ về tương lai của 5G ngày 28/6/2023 tại lễ khai mạc MWC Thượng Hải 2023, bà Mạnh Vãn Chu - Chủ tịch luân phiên của Huawei đã có bài phát biểu quan trọng về chủ đề “Nắm lấy cơ hội chuyển đổi số nhờ 5G”. Bà Mạnh Vãn Chu cho rằng, 5G còn tạo ra các thiết bị và ứng dụng mới mang lại trải nghiệm sống động hơn cho tương lai, như 5G-New-Calling (cuộc gọi thế hệ mới dựa trên mạng 5G với độ trễ gần như bằng 0) và Naked-Eye-3D (công nghệ trình chiếu hình ảnh 3 chiều trong không gian 2 chiều mà không cần đến công cụ hỗ trợ quan sát). 5G cũng đang mở ra một kỷ nguyên siêu kết nối mới giữa vạn vật, mang lại sức mạnh vượt trội cho mạng IoT và thúc đẩy các mô hình năng suất mới ra đời.
Bà Mạnh Vãn Chu còn nhấn mạnh, 5.5G sẽ là bước tiến tiếp theo của 5G với tốc độ tải xuống 10 Gigabit, tốc độ tải lên 1 Gigabit, cùng khả năng hỗ trợ 100 tỷ kết nối và AI gốc. 5.5G không chỉ thực hiện việc kết nối tốt hơn, mà còn tạo ra các cơ hội kinh doanh mới đáng kinh ngạc, đáp ứng mục tiêu cho các nhu cầu công nghiệp trong lĩnh vực IoT, cảm biến và sản xuất hiện đại.
“Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của thế giới thông minh trong tương lai sẽ được tích hợp chặt chẽ vào mọi khía cạnh cuộc sống, mọi ngành công nghiệp và xã hội. Cơ sở hạ tầng không dựa trên những tiến bộ công nghệ riêng lẻ, mà dựa trên các hệ thống cực kỳ đồ sộ và phức tạp, hội tụ nhiều yếu tố, yêu cầu về tư duy và thiết kế ở cấp độ hệ thống. Giống như khi xem ván cờ, bạn có thể nhìn thấy bức tranh toàn cảnh; nhưng khi chơi cờ, bạn cần tập trung vào các chi tiết. Tương tự như vậy, năng lực hệ thống để tích hợp công nghệ và quản lý chuyển đổi có vai trò rất quan trọng cho sự thành công trong tương lai của 5G”, bà Mạnh Vãn Chu nói.