Mỹ thực hiện nhiều biện pháp chưa từng có để hạn chế bán chip hiện đại cho Trung Quốc nhằm kiềm chế tham vọng công nghệ và quân sự của Bắc Kinh. Động thái sẽ chặt đứt nguồn cung công nghệ quan trọng, sử dụng trong nhiều lĩnh vực, từ điện toán đến sản xuất vũ khí.
Lệnh cấm là một trong những hành động mạnh tay nhất của Washington trước Bắc Kinh trong hàng thập kỷ, leo thang trận chiến thương mại vốn đã căng thẳng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Apple được cho là phải tạm dừng kế hoạch dùng memory chip của YMTC Trung Quốc trong các sản phẩm của mình. Trên phạm vi toàn cầu, các biện pháp này ảnh hưởng ra sao?
Hành động của Mỹ
Ngày 7/10, chính quyền ông Joe Biden ban hành một bộ kiểm soát xuất khẩu, bao gồm các biện pháp chặn Trung Quốc tiếp cận một số loại chip bán dẫn và thiết bị sản xuất chip nhất định. Theo quy định, các công ty Mỹ phải dừng cung ứng thiết bị sản xuất chip tương đối hiện đại cho những hãng chip Trung Quốc nếu không có giấy phép.
Quy định mới cũng kiểm soát một số mặt hàng sản xuất bán dẫn và giao dịch đối với mục đích sử dụng cuối cùng của vài loại chip và bo mạch. Mỹ còn muốn tăng cường kiểm soát xuất khẩu để bao gồm các sản phẩm, công nghệ và những thứ khác dùng để phát triển và sản xuất bo mạch. Thậm chí, công dân Mỹ và người giữ “thẻ xanh” bị cấm làm việc với các pháp nhân Trung Quốc nhất định.
Sản phẩm bị ảnh hưởng?
Theo Brady Wang, Giám đốc hãng nghiên cứu Counterpoint tại Hong Kong, lệnh cấm xuất khẩu bao gồm các con chip điện toán cao cấp, chẳng hạn NVIDIA A100/H100 và Intel GPU (Ponte Vecchio). Bộ Thương mại Mỹ cho biết lệnh cấm “hạn chế khả năng mua chip hiện đại, phát triển và duy trì siêu máy tính, sản xuất bán dẫn tân tiến của Trung Quốc”.
Mức độ ảnh hưởng?
Nhà phân tích Bill Bishop nhận xét lệnh cấm là “leo thang quan trọng” trong căng thẳng thương mại và địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông cùng cộng sự vẫn đang tìm hiểu tác động của các biện pháp kiểm soát mới. Ông cho rằng nhiều người sẽ đánh giá thấp mức độ ảnh hưởng của chúng, cả đối với chuỗi cung ứng công nghệ lẫn quan hệ Mỹ - Trung.
Hãng nghiên cứu GlobalData nhận định tuyên bố của Mỹ vượt mọi ranh giới của ngành công nghiệp bán dẫn và không gì ngoài mong muốn dẫn đầu kinh tế thế giới trong các thập kỷ tiếp theo.
Dù đã xin được một năm miễn trừ với lệnh cấm, các nhà sản xuất bán dẫn châu Á như TSMC, SK Hynix, Samsung đều bị đe dọa.
Trung Quốc có thể dùng chip nội thay thế?
Trung Quốc tiêu thụ hơn 3/4 bán dẫn bán ra trên toàn cầu nhưng chỉ sản xuất được khoảng 15%. Nhiều chuyên gia đánh giá các hãng chip Đại lục đi sau đối thủ nước ngoài khoảng 4-5 năm, khiến họ không thể thay thế cấp tốc những tên tuổi Mỹ như KLA, Applied Materials, Lam Research.
Năm 2021, hãng tư vấn Boston ước tính một nước cần ít nhất 1 nghìn tỷ USD để xây dựng chuỗi cung ứng chip tự chủ.
Lệnh cấm mới có thể thúc đẩy các công ty Trung Quốc cố sản xuất chip tiên tiến bằng giải pháp kỹ thuật sáng tạo với công nghệ cũ không bị cấm vận. Dù vậy, nó sẽ làm chậm đáng kể bước tiến của ngành công nghiệp bán dẫn và công nghệ phái sinh, bao gồm AI, siêu máy tính, xe tự lái… Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc sẽ ở vào tình thế phải tập trung công suất vào “công nghệ trưởng thành và tận dụng dịch vụ bên ngoài nước”.
Phản ứng của Trung Quốc?
Trong một tuyên bố, Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Trung Quốc hi vọng chính phủ Mỹ sẽ thay đổi quyết định và trở lại quy trình đàm phán thương mại quốc tế. Tầm quan trọng của tự chủ công nghệ vốn đã là một ưu tiên của Bắc Kinh trong thập kỷ qua và là một chủ đề của Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc năm nay.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc không có nhiều lựa chọn để trả đũa Mỹ. Các đòn trả đũa có thể tác dụng ngược đến kinh tế trong nước. Một phương án được nhắc đến là cấm Mỹ tiếp cận nguồn đất hiếm mà Trung Quốc đang kiểm soát.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cảnh báo sự phân tách ngày càng lớn giữa Mỹ và Trung Quốc có thể tạo ra “thế giới kém ổn định hơn”. Trong một cuộc họp báo tại Australia, ông phát biểu: “Động thái mới nhất của chính quyền ông Biden rất nghiêm trọng, tôi dám chắc họ đã cân nhắc kỹ lưỡng. Nó có thể có hậu quả sâu rộng”.
Du Lam (Theo The Guardian)