Theo Reuters, sắc lệnh mới ký ngày 9/8 cho phép Bộ trưởng Tài chính Mỹ cấm hoặc hạn chế đầu tư của nước này vào Trung Quốc trong 3 lĩnh vực gồm chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và một số hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI).
Nhà Trắng cho biết, các hạn chế sẽ được áp dụng trong phạm vi hẹp của 3 lĩnh vực trên, nhưng không nêu cụ thể. Ngoài ra, sắc lệnh mới cũng yêu cầu các thực thể Mỹ phải báo cáo cho chính phủ về đầu tư trong một số lĩnh vực công nghệ khác ở Trung Quốc.
Một quan chức cấp cao Mỹ tiết lộ, động thái nhằm ngăn chặn nguy cơ “vốn và các kỹ năng chuyên môn của Mỹ giúp phát triển các công nghệ có thể hỗ trợ hiện đại hóa quân đội Trung Quốc”.
Bắc Kinh hôm nay (10/8) tuyên bố "vô cùng quan ngại" về sắc lệnh trên của Washington, đồng thời cảnh báo họ có quyền thực hiện các biện pháp đáp trả.
Bộ Thương mại Trung Quốc cáo buộc sắc lệnh mới của chính quyền Tổng thống Biden ảnh hưởng đến hoạt động bình thường và quá trình ra quyết định của các doanh nghiệp cũng như làm suy yếu trật tự kinh tế - thương mại quốc tế. Nhà chức trách Trung Quốc bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ tôn trọng các quy luật của nền kinh tế thị trường và nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng, kiềm chế "cản trở trao đổi và hợp tác kinh tế và thương mại toàn cầu hoặc gây trở ngại cho sự phục hồi của nền kinh tế thế giới".
Suốt nhiều tháng qua, các quan chức Mỹ đã nhấn mạnh, bất kỳ hạn chế nào đối với đầu tư của nước này vào Trung Quốc đều sẽ nhắm vào mục tiêu phạm vi hẹp.
“Đây là những biện pháp phù hợp. Chúng không phải là phong tỏa công nghệ”, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan từng tuyên bố hồi tháng 4. Trước đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo từng lưu ý, Washington “không muốn quá rộng rãi... Bất cứ thứ gì quá rộng đều gây tổn hại cho người lao động và nền kinh tế Mỹ".
Giới quan sát nhận định, sắc lệnh mới của ông Biden dự kiến sẽ chỉ đạo công bố các quy định được đề xuất. Các quy định này dự kiến chưa có hiệu lực ngay lập tức, mà sẽ trải qua một khoảng thời gian lấy ý kiến, xem xét phản hồi của ngành công nghiệp trước khi được phê chuẩn thành luật.