Tờ Washington Post hôm 22/5 trích dẫn lời các quan chức giấu tên cho hay, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã thảo luận về khả năng nói trên trong một cuộc họp của các quan chức cấp cao đến từ nhiều cơ quan an ninh quốc gia ngày 15/5. Động thái tiếp sau khi Washington lên tiếng cáo buộc Nga và Trung Quốc vi phạm việc cấm thử hạt nhân ngầm dưới đất, điều cả Moscow và Bắc Kinh đều khăng khăng phủ nhận.
Một vụ thử tên lửa hành trình tầm trung trên bệ phóng di động của Hải quân Mỹ ở đảo San Nicolas ngoài khơi thành phố Los Angeles, bang California. Ảnh: DPA |
Theo một quan chức Mỹ, động thái có thể hữu ích trong việc đàm phán một thỏa thuận 3 bên nhằm kiểm soát các kho vũ khí nguyên tử của Mỹ, Nga và Trung Quốc. Washington lâu nay vẫn thúc ép Bắc Kinh gia nhập một phiên bản cập nhật của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START), vốn dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 2/2021.
Một phóng viên của tạp chí Time nói, Mỹ đã có các bước đi đầu tiên hướng tới việc khôi phục các vụ thử nghiệm hạt nhân vào năm 2017. Thời điểm đó, một quan chức thuộc Cơ quan an ninh nguyên tử quốc gia Mỹ từng đề cập tới việc sử dụng điều này cho "các mục đích chính trị".
Một nguồn tin cho biết thêm, cuộc họp ngày 15/5 không đi đến kết luận về khả năng tái thử hạt nhân. Song, một số chuyên gia bày tỏ lo ngại, động thái có thể gửi tín hiệu tiêu cực tới những quốc gia như Triều Tiên và dấy lên sự hoài nghi về tính cần thiết phải tuân thủ các lệnh cấm thử vũ khí nguyên tử.
Theo Sputnik, Nga bày tỏ sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán, đồng thời nhấn mạnh bất kỳ thỏa thuận nào cũng cần kiểm chứng được và có sự quyết tâm của Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc từ chối tham gia bất kỳ thỏa thuận 3 bên nào cũng như khẳng định Mỹ và Nga phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ giảm số lượng vũ khí hạt nhân trên thế giới.
Tuấn Anh