Theo New York Times (NYT), vào cuối tuần trước, Thiếu tướng Patrick Ryder - phát ngôn viên Lầu Năm Góc, thông báo rằng việc vận chuyển vũ khí tới Ukraine đã được tiến hành, ngay sau khi Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ bổ sung cho Kiev.
"Chúng tôi có một mạng lưới hậu cần mạnh mẽ, cho phép vận chuyển vũ khí nhanh chóng. Một số loại vũ khí thậm chí sẽ tới Ukraine chỉ trong vài ngày", ông Ryder nói.
Dù không tiết lộ rõ những loại vũ khí nào sẽ có trong gói viện trợ lần này, nhưng Tướng Ryder nói rằng đạn pháo và các tổ hợp phòng không sẽ được gửi cho Ukraine.
Thông thường, việc vận chuyển khí tài từ Mỹ tới các đối tác sẽ được thực hiện bằng tàu biển hoặc máy bay vận tải quân sự, do Bộ Tư lệnh Vận tải Mỹ điều phối. Tuy vậy, vũ khí và đạn dược dành cho Ukraine thường được rút từ các kho dự trữ của Lầu Năm góc ở châu Âu. Nhờ vậy, Kiev có thể nhận được một số loại đạn dược phổ thông như đạn pháo 155mm "gần như ngay lập tức".
Đạn pháo 155mm là loại đạn được sử dụng nhiều nhất ở Ukraine, và cũng là loại đạn gây áp lực lớn nhất với Lầu Năm Góc. Vào năm ngoái, Mỹ đã phải lấy về hàng chục nghìn viên đạn 155mm từ Hàn Quốc, nhằm trang bị thêm cho Kiev.
Ngoài đạn pháo, gói viện trợ bổ sung mới được kỳ vọng sẽ cung cấp thêm tên lửa tầm xa ATACMS cho Ukraine. Tuy nhiên, ông Ryder từ chối đưa ra bình luận chính thức về vấn đề này. Vào năm ngoái, Mỹ đã gửi một số lượng nhỏ tên lửa ATACMS tới Ukraine, và Kiev đã dùng chúng để tập kích 2 căn cứ không quân của Nga.
Không chỉ có kho dự trữ, Mỹ và các đồng minh ở châu Âu như Đức và Ba Lan vẫn đang giúp Ukraine duy trì và bảo dưỡng các loại khí tài quan trọng, đơn cử là trung tâm bảo trì xe tăng Leopard 2 ở Ba Lan. Các trung tâm bảo trì tương tự đã giúp Kiev có thể liên tục sử dụng các loại vũ khí phương Tây trên tiền tuyến.