Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đóng vai trò như tia lửa điện khổng lồ tái sạc cho tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), vốn bị Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố đã "chết não" cách đây vài năm, cũng như hồi sinh nhóm 7 nước có nền công nghiệp phát triển (G7) từ những năm 1970 thành khối quy tụ 10 nước (D10) khi các đối tác châu Á và châu Âu của Mỹ cùng phối hợp áp đặt các biện pháp trừng phạt hà khắc chống Moscow.
Tuy nhiên, viết trên tạp chí National Interest, giáo sư Nikolas K. Gvosdev thuộc trường Cao đẳng chiến tranh Hải quân cho rằng, khoảnh khắc mới phát hiện của liệu pháp sốc điện sẽ không kéo dài. Trọng tâm các nỗ lực tiến lên của Mỹ không nên là tập trung sửa chữa những sai lầm của những thập niên 1990, mà là xoay trục sang thế giới mới nổi giữa thế kỷ XXI.
Chiến sự Nga - Ukraine tiếp sau đại dịch Covid-19 khiến phương Tây đối mặt với những lỗ hổng của việc phụ thuộc quá nhiều vào các chuỗi cung ứng nguyên liệu thô và các thành phần quan trọng nhất qua Nga và Trung Quốc. Hiện có khả năng rất nhỏ là người dân ở các nước Bắc Mỹ, châu Âu và Đông Á sẵn sàng trả chi phí cao hơn để định hướng lại các mối liên kết kinh tế quan trọng tách rời khỏi Moscow và Bắc Kinh cũng như đầu tư vào các công nghệ thế hệ tiếp theo, đặc biệt về năng lượng, dược phẩm, sản xuất thực phẩm và chế tạo. Những điều này sẽ nâng cấp các liên minh hiện có của Mỹ từ chủ yếu về phòng thủ quân sự thành liên minh rộng hơn về an ninh, không chỉ bao gồm an toàn trước nguy cơ bị tấn công vũ trang mà còn tăng cường bảo vệ về khí hậu, y tế và kinh tế.
Trong suốt những năm 1980, Mỹ có thể tận dụng sức mạnh công nghệ của các đối tác cũng như sức sống kinh tế của họ để tăng thêm khả năng bao vây và kiềm chế Liên Xô. Cách đây chỉ một vài năm, Liên minh châu Âu (EU) dự kiến theo đuổi sự hội nhập kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Quốc khi việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khiến các đối tác chủ chốt trong khu vực phải phải rào giậu mối quan hệ của họ với Washington.
Giáo sư Gvosdev tin, để cân bằng sự trỗi dậy của Trung Quốc một cách hòa bình, Mỹ có thể phải tái thiết lập một cộng đồng không chỉ dựa trên các giá trị chung và địa chính trị mà còn có khả năng mang lại lợi ích rõ ràng và cụ thể cho các thành viên. Nước này cần phải làm như vậy trước khi những thói quen cũ quay trở lại, dù đó là sự quay trở lại việc quá tin tưởng vào năng lượng giá rẻ của Nga hay chi phí chuyển hướng chuỗi cung ứng ra khỏi trung tâm sản xuất Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã cho thấy cả yếu tố kích thích hành động ngay lập tức lẫn nguy cơ tụt lùi lâu dài hơn khi xung đột tiếp diễn và chi phí ngắn hạn tăng lên.
Ngoài ra, chiến sự Nga - Ukraine có thể cho thấy dấu ấn đậm nét của các công cụ tài chính răn đe và bắt buộc của Mỹ. Không giống như Liên Xô, Nga đã hòa nhập vào hệ thống kinh tế toàn cầu do Mỹ dẫn đầu, bao gồm cả việc hưởng lợi từ USD như đồng tiền dự trữ toàn cầu cũng như sức mạnh và độ tin cậy của hệ thống tài chính Mỹ. Washington đang sát hạch quan điểm rằng, cùng với việc viện trợ vũ khí, sức mạnh tài chính Mỹ có thể tạo ra đòn trừng phạt đủ mạnh để buộc Moscow phải thay đổi hành động ở Ukraine.
Tuy nhiên, bất kể điều đó diễn ra như thế nào, trong dư luận thế giới tồn tại hoài nghi rằng, Mỹ không cung cấp một loạt dịch vụ tài chính công cộng quốc tế vì lòng vị tha, mà như một cách để thể hiện sức mạnh của nước này. Nga có thể buộc phải trả giá đắt đầu tiên, nhưng kết quả cuối cùng là Trung Quốc và một số cường quốc tầm trung khác có thể bắt đầu liều lĩnh đặt cược, tiếp tục sử dụng đồng USD của Mỹ vì sự tiện lợi và chi phí thấp, nhưng đồng thời tạo ra các cơ chế thay thế để xoay trục khi cần thiết.
Khi các đối tác lâu năm của Mỹ như Ảrập Xêút và Israel cân nhắc việc sử dụng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc nhiều hơn, điều đó dường như ám chỉ ngay cả các đồng minh của Washington cũng sẽ để ngỏ mọi lựa chọn.
Khủng hoảng Ukraine đã chỉ ra rằng, sự đồng thuận mạnh mẽ ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Đông Á nhằm chống lại chiến dịch quân sự của Nga đã không mở rộng sang các khu vực quan trọng khác trên toàn cầu.
Tuấn Anh