“Lầu Năm Góc đang thực hiện các hợp đồng trị giá gần 40 tỷ USD để cung cấp vũ khí cho Ukraine và bổ sung kho dự trữ quân sự của Mỹ. Đồng thời, tiếp tục gửi đạn dược, phương tiện và tên lửa tới Kiev”, tờ Politico dẫn các nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết.
Theo nguồn tin này, 16,4 tỷ USD trong tổng số tiền liên quan đến các quỹ do Mỹ phân bổ như một phần của “Sáng kiến hỗ trợ an ninh Ukraine” và 20,5 tỷ USD khác để bổ sung kho dự trữ vũ khí của quân đội Mỹ.
Kể từ khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine vào tháng 2/2022, Mỹ đã cung cấp hơn 43 tỷ USD viện trợ quân sự cho Kiev.
EU kêu gọi gây áp lực để Nga quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc
Hãng tin RIA Novosti dẫn bức thư của đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell gửi các Ngoại trưởng G20 cho hay, EU kêu gọi Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) gây áp lực để Nga quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc.
“Tôi muốn nhờ các bạn hỗ trợ để thúc giục Nga quay trở lại đàm phán, đồng thời kiềm chế các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng nông nghiệp của Ukraine”, ông Borrell viết trong thư.
Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói, Nga sẽ quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc ngay lập tức nếu được đáp ứng các điều kiện như gỡ bỏ hạn chế đối với xuất khẩu của nước này.
Ông cho biết, dù Nga đã nói nhiều lần nhưng vẫn chưa quay lại thỏa thuận ngũ cốc là do các điều kiện liên quan đến Nga chưa được đáp ứng.
Ba Lan sẽ gửi thêm quân tới biên giới Belarus
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Błaszczak cho biết, nước này sẽ tiếp tục tăng cường các nhóm quân ở biên giới với Belarus.
“Ba Lan đang làm rất nhiều việc để đảm bảo an ninh. Nhưng, rõ ràng các hành động khiêu khích ở biên giới Belarus cho thấy cần phải tăng cường hơn nữa sự hiện diện quân sự”, ông Błaszczak nói.
Một quan chức từ Bộ Quốc phòng Ba Lan cho biết, máy bay trực thăng đã được triển khai tới biên giới Belarus. Theo ông, Ba Lan sẵn sàng sử dụng vũ khí “nếu có điều gì nguy hiểm xảy ra”.