Theo thông cáo từ Nhà Trắng, chương trình dán nhãn và chứng nhận mới sẽ thiết lập tiêu chuẩn bảo mật cao hơn với thiết bị thông minh như tủ lạnh, lò vi sóng, tivi, thiết bị kiểm soát khí hậu, máy theo dõi tập luyện (fitness)… Viện Tiêu chuẩn và công nghệ quốc gia là cơ quan đưa ra các tiêu chí như mật khẩu mặc định mạnh, độc nhất, bảo vệ dữ liệu, cập nhật phần mềm, khả năng phát hiện sự cố.
Nhà sản xuất và nhà bán lẻ sẽ dán nhãn “U.S Cyber Trust Mark” trên thiết bị đạt tiêu chuẩn. Chương trình dự kiến triển khai từ năm 2024. Nhãn này giống với nhãn Energy Star trên các thiết bị tiết kiệm năng lượng.
Theo một quan chức giấu tên, sáng kiến nhằm cải thiện an toàn mạng và thiết bị, vốn rất quan trọng với cả an ninh kinh tế và quốc gia.
Trước khi thực hiện chương trình dán nhãn, Ủy ban truyền thông liên bang Mỹ (FCC) sẽ xin ý kiến công chúng và đăng ký nhãn hiệu quốc gia với Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ. Các bên khác tham gia chương trình gồm LG Electronics Mỹ, Logitech, Cisco Systems, Samsung.
Với nhãn dán mới, người tiêu dùng có thể xác định được thiết bị nào đáp ứng tiêu chuẩn an toàn liên bang và khó bị tấn công mạng hơn. Các nhà sản xuất cũng được hưởng lợi vì tạo sự khác biệt cho sản phẩm so với đối thủ. Ngoài ra, FCC còn dự định cung cấp mã QR liên kết với danh sách lưu trữ thiết bị quốc gia để người mua tìm kiếm thông tin cụ thể về các sản phẩm thông minh đang bán.
Tháng 3/2023, Nhà Trắng công bố chiến lược an ninh quốc gia, nhấn mạnh các nhà phát triển phần mềm và công ty cần gánh trách nhiệm lớn hơn trong bảo vệ hệ thống trước các cuộc tấn công mạng. Cục Điều tra liên bang Mỹ và Bộ Quốc phòng Mỹ cũng tăng cường hoạt động chống lại tin tặc và tổ chức tấn công mã độc tống tiền trên toàn cầu.
Tuần trước, Microsoft và quan chức Mỹ tiết lộ tin tặc đã bí mật xâm nhập tài khoản email của khoảng 25 tổ chức, trong đó có ít nhất hai cơ quan chính phủ Mỹ từ tháng 5.
(Theo Livemint, USA Today)