"Hầu hết trong số họ đồng ý, nhưng tôi vẫn chưa có câu trả lời từ Mỹ, nước tôi hiểu phải thảo luận về vấn đề đó. Chúng tôi kỳ vọng trong tuần này sẽ nhận được câu trả lời", Cao ủy EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell nói trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình quốc gia Tây Ban Nha TVE.
Ông Borrell cho biết thêm, Tehran đã yêu cầu một số điều chỉnh đối với đề xuất của EU, vốn chưa được công khai, sau 16 tháng đàm phán gián tiếp Mỹ - Iran với sự trung gian của EU. Hôm 22/8, ông Borrell bày tỏ, câu trả lời của Tehran là "hợp lý".
Cùng ngày, một quan chức cấp cao Mỹ, xin giấu tên tiết lộ với Reuters rằng, Iran đã từ bỏ một số yêu sách chính để hồi sinh thỏa thuận quốc tế, bao gồm cả việc nhất quyết yêu cầu các thanh sát viên quốc tế kết thúc một số cuộc điều tra chương trình hạt nhân của quốc gia Hồi giáo hay đòi Washington bỏ tên Quân đoàn Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) khỏi danh sách các tổ chức khủng bố. Động thái khiến các bên tiến gần hơn đến khả năng đạt được thỏa thuận mới.
Washington dự kiến sẽ sớm phản hồi về dự thảo thỏa thuận do EU đề xuất, trong bối cảnh Tổng thống Joe Biden đang tìm cách khôi phục thỏa thuận quốc tế với Tehran.
Quan chức giấu tên lưu ý, mặc dù Iran tuyên bố Washington đã nhượng bộ, nhưng nước này thực tế tuần trước đã "quay trở lại và về cơ bản đã từ bỏ những đòi hỏi then chốt, gây bế tắc". Ông lưu ý, bất đồng giữa Mỹ - Iran vẫn còn nên Washington đang nghiên cứu phản hồi của Tehran và "có thể mất thêm thời gian" để đi đến thỏa thuận cuối cùng.
Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói không có gì đảm bảo các bên có thể đạt được thỏa thuận, đồng thời nhấn mạnh "kết quả của các cuộc thảo luận đang tiếp diễn vẫn chưa chắc chắn vì tồn tại các khác biệt".
Iran đã thương lượng với 5 nước thành viên thường trực của Hội đồng an ninh Liên Hợp Quốc cùng với Đức và EU nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân quốc tế năm 2015 mà chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump xé bỏ 3 năm sau đó. Sau khi rút khỏi thỏa thuận năm 2018, Mỹ cũng tái áp các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Iran, dẫn đến việc quốc gia Hồi giáo bắt đầu vi phạm các giới hạn làm giàu uranium đã cam kết.
Tuấn Anh